Xây những miền quê đáng sống

Tới dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng: Hội Nông dân Việt Nam và nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người đi xa quê ai cũng khát khao, mong muốn trở về.

Nông thôn Việt Nam hướng tới hiện đại, văn minh

Tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị là một trong những thành công nổi bật của Hội Nông dân tỉnh Sơn La những năm vừa qua. Theo đó, việc trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân của Hội đạt hiệu quả cao.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. Ảnh: TTXVN

Các mô hình góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho hội viên nông dân có thể kể đến như: Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Công ty Cổ phần mía đường Sơn La với hơn 10.500 hộ tham gia, diện tích trên 9.200ha; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu với 558 hộ tham gia, 27.790 bò sữa; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La với 10.700 hộ tham gia, diện tích 20.000ha cà phê Arabica...

Để tạo nguồn vốn cho hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, các cấp Hội tập trung vận động, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay tổng nguồn quỹ của đạt gần 80 tỷ đồng, tăng trên 26 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước, vượt chỉ tiêu đại hội đề ra.

Kết quả hoạt động của các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La, đưa Sơn La từ một tỉnh nghèo, khó khăn đã vươn lên trở thành "Hiện tượng nông nghiệp của cả nước", đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng cây ăn quả; với 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích 3.141 ha phục vụ xuất khẩu; 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Với đặc trưng là một tỉnh nông nghiệp, có diện tích đất trồng lúa lớn nhất cả nước với 230.000 ha, sản lượng 4 triệu tấn/năm với 80% là lúa chất lượng cao, đầu ra cho nông sản là một trong những trăn trở của Hội Nông dân An Giang.

Theo đó, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với 30 doanh nghiệp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa cho nông dân trong tỉnh với 96.000 ha, điển hình là Chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vận động nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại các vùng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 40.000 ha.

Với khẩu hiệu: “mặt ruộng không dấu chân” - đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trên những cánh đồng mẫu lớn; xây dựng mô hình “sản xuất lúa thân thiện với môi trường”, quy hoạch các vùng nguyên liệu, xuống giống rãi vụ gieo sạ quanh năm, đăng ký mã số vùng trồng. Trong mối liên kết và phối hợp này, hàng nghìn máy cày, máy cấy gieo sạ, máy gặt, máy cuộn rơm, máy bay không người lái phun thuốc, bón phân, xạ giống... hàng nghìn cán bộ kỹ thuật cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân, để hỗ trợ hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình canh tác, chuyển giao và tư vấn kỹ thuật, tổ chức cung ứng các sản phẩm giống, phân, thuốc và dịch vụ nông nghiệp, chốt giá khi thu hoạch và bao tiêu theo hợp đồng đã ký kết, hướng dẫn nông dân thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt.

Trong bài phát biểu dài hơn 40 phút, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp quan trọng của giai cấp nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Trước 995 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân dự đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Đảng ta xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu, công tác Hội và phong trào nông dân phải đổi mới, sáng tạo để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh có môi trường xanh, sạch đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, thực sự trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa đều khát khao, muốn trở về quê.

"Bức tranh nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đó có thực sự hoàn thiện được hay không đòi hỏi quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội, song Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Kỳ vọng vào những đổi thay từ sự kiện chính trị đặc biệt của Hội Nông dân Việt Nam

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn chia sẻ, đại hội có 995 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân trong cả nước, tiêu biểu cho trí tuệ, niềm tin, ý chí, nguyện vọng và sức mạnh đoàn kết của giai cấp nông dân Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, ngay trong những ngày chuẩn bị tổ chức đại hội, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đón nhận Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20.12 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

"Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với Hội Nông dân Việt Nam; đồng thời cũng là trách nhiệm của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện để nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả", ông Đoàn bày tỏ.

Thúc đẩy cho việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp cũng là công tác quan trọng của nhiệm kỳ mới. Theo đó, ứng dụng Nông dân Việt Nam cũng được ra mắt tại Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam. Đây là kết quả của Chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Với ứng dụng này, người nông dân có nền tảng dành riêng cho mình với các tính năng tham gia cộng đồng, trao đổi thông tin hay thanh toán trực tuyến, dự báo thời tiết và khuyến cáo nông vụ…

Tại Đại hội, 111 đại biểu đã trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ban Chấp hành mới, trẻ trung, năng động, được kỳ vọng thực sự là những người có tâm huyết với nông dân và hiểu biết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề mà hiện nay đang cần.

Kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới, một ban chấp hành mới cũng là kỳ vọng vào những quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ 2023 - 2028. Một Hội Nông dân Việt Nam đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo nên những miền quê đáng sống trên khắp dải đất hình chữ S.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang Lê Văn Ẩn: Phát huy vai trò cầu nối “6 nhà”

Tôi rất phấn khởi khi Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VIII này có nhiều đại biểu đại diện khối doanh nghiệp, nhà khoa học, các hiệp hội và hợp tác xã. Tôi rất tin tưởng, trong nhiệm kỳ mới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối trong việc đẩy mạnh mối liên kết "6 nhà" giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà phân phối để xây dựng chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao/

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Anh: Tháo gỡ khó khăn khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Đoàn Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sơn La kỳ vọng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, trong đó Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Brông (tỉnh Gia Lai) Siu Hlen: Đổi mới hơn nữa phương thức, nội dung hoạt động

Chư Brông là một huyện thuần nông nghiệp với dân tộc Chơ Rai chiếm 46%, người dân ở đây chủ yếu trồng các lâu năm như cao su, hồ tiêu, cà phê. Với chủ đề của Đại hội, tôi hy vọng nội dung phương thức hoạt động có đổi mới hơn nữa trong công tác xây dựng, tổ chức hội để hội ngày càng vững mạnh, đem lại nhiều điều mới mẻ cho bà con nông dân, nhất là ở các cơ sở như chúng tôi.
L. Sơn/Báo Tin tức
Dừng thí điểm cho hộ nông dân góp vốn trồng cây cao su bằng quyền sử dụng đất
Dừng thí điểm cho hộ nông dân góp vốn trồng cây cao su bằng quyền sử dụng đất

Ngày 28/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1708/QĐ-TTg dừng thực hiện Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN