Đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở
Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Hội Nông dân Việt Nam là sự có mặt của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong phiên khai mạc trọng thể. Điều này cho thấy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.
Đặc biệt, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của nông dân, đồng thời chỉ ra rằng hoạt động của các cấp Hội ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là người nông dân cần có những thay đổi như thế nào trong tư duy và hành động để góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Kêu gọi các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức".
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Bí thư đề nghị các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân gắn với các hoạt động thiết thực của Hội.
"Phải phát huy vai trò của Hội Nông dân khi tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn gắn với tuyên tuyền, vận động để đổi mới phương thức hoạt động; gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân", Tổng Bí thư khẳng định.
Chia sẻ bên lề Đại hội, nhiều đại biểu cho rằng, bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra bước tiến mới về hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đặc biệt là đưa công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất của người nông dân, qua đó nâng cao vai trò của người nông dân Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Có thể nói, bài phát biểu chỉ đạo Đại hội của Tổng Bí thư đã khẳng định Hội Nông dân Việt Nam là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đó là sự cổ vũ, động viên to lớn để mỗi hội viên, nông dân cần phải phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới. Theo dõi những nội dung trong Đại hội, không chỉ các đại biểu, mà đông đảo hội viên trên cả nước đều bày tỏ sự tin tưởng những quyết sách của Đại hội lần này sẽ phát huy hiệu quả trong nhiệm kỳ tới, khơi dậy niềm tin, khát vọng của nông dân, đưa giai cấp nông dân bước tới những thành công mới.
Nông dân hiện đại phải có trách nhiệm với cộng đồng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại buổi họp báo sau Đại hội về những hoạt động cụ thể, hướng về cơ sở, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội có đặc thù khác biệt hơn với các tổ chức chính trị, xã hội khác là chỉ có hội viên ở nông thôn. Vì vậy, trong triển khai các nhiệm vụ, cán bộ các cấp Hội đã đi cơ sở là phải về với nông dân, nghe tiếng nói từ cơ sở.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, một đổi mới mạnh mẽ khác mà Hội Nông dân Việt Nam đang thực hiện là tuyên truyền không chỉ bằng văn bản, phương tiện thông tin đại chúng mà còn bằng cách tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Để giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất, Hội Nông Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân... hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay thuận lợi hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, tới đây, Hội sẽ tiếp tục ký kết với các ngân hàng thương mại khác nhằm hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để từ hội viên nông dân đến cán bộ hội các cấp đều nắm được.
Theo ông Lương Quốc Đoàn, sắp tới ứng dụng (app) dành cho nông dân vừa được ra mắt sẽ có thêm một "cửa sổ" để hội viên nông dân có thể bày tỏ tâm tư nguyện vọng cũng như đề xuất kiến nghị lên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Thông qua ứng dụng này, hội viên nông dân cũng có thể đánh giá, phản ánh về chất lượng cung ứng vật tư đầu vào của các doanh nghiệp.
“Trong 6 tháng đầu, ứng dụng này sẽ triển khai đến tất cả cấp hội cơ sở, sau đó đến các tổ hội nhằm tạo sự thay đổi lớn trong hoạt động của Hội Nông dân”, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Cho rằng trong bất kỳ thời đại, giai đoạn cách mạng nào, người nông dân nói riêng và nhân dân nói chung phải có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định, trong "cuộc chiến" chống COVID-19 vừa qua đã cho thấy tinh thần yêu nước của nông dân Việt Nam được phát huy rất mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm khẳng định, trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, người nông dân cần có kiến thức về mọi mặt, nhất là về sản xuất kinh doanh để trở thành người nông dân chuyên nghiệp, nông dân số, nông dân của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, người nông dân hiện đại phải có trách nhiệm với cộng đồng; liên kết, hợp tác với nhau, nhất là trong sản xuất, kinh doanh cũng như gìn giữ, phát huy truyền thống bản sắc dân tộc…
Hướng đến những mục tiêu đột phá
Trong công tác tổ chức Đại hội lần này, tinh thần đổi mới được thể hiện xuyên suốt qua các hoạt động. Việc tổ chức 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Đại hội với mục đích chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đồng thời tạo cơ hội để hội viên nông dân đề xuất sáng kiến, giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới, được nhiều đại biểu đánh giá rất cao.
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đại hội đã đưa ra 16 chỉ tiêu thi đua trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2023 - 2028 để thảo luận và thông qua, trong đó có 7 chỉ tiêu mới so với nhiệm kỳ trước như: Thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nghề cho hội viên; thành lập tài khoản trên sàn thương mại điện tử cho hộ nông dân; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã…
Đại hội đã thảo luận và cho ý kiến về 7 nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2023-2028 gồm: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; xây dựng nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại nhân dân…
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, một trong ba nhiệm vụ đột phá được Đại hội thông qua trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp nhằm khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành Nông nghiệp hiện nay. Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng riêng đề án tham gia phát triển kinh tế tập thể và trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Kết quả của Đại hội toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn, đánh dấu một chặng đường phát triển mới của công tác Hội, phong trào nông dân sau hơn 35 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới và tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII là sự cổ vũ, động viên to lớn các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra và các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ 2023 - 2028; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.