Điều này đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng với đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đem đến cho các quốc gia; trong đó, có Việt Nam cơ hội để vượt lên và đưa nền kinh tế theo hướng phát triển mới dựa trên khoa học công nghệ.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã xác định, cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đưa đất nước lên tầm phát triển mới để bắt kịp các nước trong một số ngành hiện mình đang chậm hơn.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư được sự tin tưởng và giao phó của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nghiên cứu về chiến lược quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là hạt nhân cho việc thúc đẩy việc phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trên thế giới có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo với tác động kinh tế rất lớn với việc hình thành và tập trung các công ty công nghệ tỷ đô và hàng chục nghìn việc làm chất lượng cao điển hình như: Trung Quân Thôn tại Bắc Kinh, Trung Quốc; thành phố truyền thông số tại Seoul (Hàn Quốc) hay CyberSpark tại Beer Sheva (Israel) chuyên về an ninh mạng.
Điểm chung của các trung tâm này là việc tập trung các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong một hoặc một vài lĩnh vực được lựa chọn vào một môi trường phù hợp cho hệ sinh thái phát triển.
Điều tiên quyết là các trung tâm này phải là nơi có môi trường kinh doanh rất tốt và các chính sách cạnh tranh để thu hút các công ty đến đặt trụ sở cũng như thu hút nhân tài đến làm việc.
Ngoài ra, trung tâm còn là nơi để các công ty với quy mô khác nhau có thể tiếp cận các nguồn lực cần thiết như nhân tài, vốn hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như tiếp cận với thị trường.
Tại Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được đặt ở Đồng bằng sông Hồng với quy mô kinh tế hiện đang chiếm hơn một phần tư GDP của cả nước và là nơi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho kinh tế Việt Nam khi đi đúng hướng.
Việc xác định lĩnh vực cần tập trung để đổi mới ở Đồng bằng sông Hồng dựa trên hai yếu tố: nền tảng kinh tế hiện có tại Đồng bằng sông Hồng và những xu hướng lớn ảnh hưởng đến môi trường kinh tế xã hội trong tương lai tại đây.
Theo đó, có 4 lĩnh vực mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia có thể lựa chọn tập trung vào. Đó là, trung tâm có thể là hạt nhân đổi mới cho lĩnh vực sản xuất thông minh, tập trung đưa ứng dụng nhà máy thông minh và phát triển sản phẩm cho các nhà máy tương lai với hàm lượng tự động hóa ngày càng nhiều.
Cùng đó, trung tâm có thể trở thành nơi thúc đẩy ứng dụng và phát triển sản phẩm, dịch vụ cho các thành phố thông minh với môi trường bền vững. Bên cạnh đó, trung tâm cũng có thể trở thành một tụ điểm mới thúc đẩy ngành truyền thông số đặc biệt là trò chơi điện tử kĩ thuật số. Đồng thời, có thể trở thành nơi phát triển các ứng dụng an ninh mạng cho cả các cơ quan chính phủ cũng như các công ty, doanh nghiệp hoặc sử dụng cho cá nhân.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập để thực hiện đồng thời 5 chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, cung cấp tư vấn và dịch vụ hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, phát triển thành sản phẩm, dịch vụ, công nghệ hay mô hình kinh doanh mới; cung cấp tư vấn và dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; dịch vụ tăng tốc và phát triên khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp công nghệ.
Ngoài ra, cung cấp các dịch vụ giới thiệu công nghệ và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Song song với đó, góp vốn kinh doanh, trực tiếp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới. Đó là nơi thử nghiệm các quy định, chính sách mới, cách thức mới về quản lý nhà nước.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ là trung tâm đầu tiên và là một phần của mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ được thiết lập trong tương lai trên khắp cả nước. Mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể mà địa phương đặt trung tâm đó có lợi thế tương đối so với những địa điểm khác.
Các trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ không chỉ là nơi thúc đẩy việc đưa công nghệ vào phát triển kinh tế mà còn sẽ trở thành nơi tạo ra những công nghệ mới của Việt Nam.
Việc chuyển hướng kinh tế để mang hàm lượng khoa học công nghệ nhiều hơn sẽ là một quá trình dài và khó khăn, đòi hỏi có sự phối hợp và hỗ trợ của nhiều bên gồm các Bộ, ban, ngành cũng như các công ty, cộng đồng, tổ chức giáo dục, các nhà đầu tư,…