Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao do Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội làm chủ dự án. Sau 3 năm thực hiện thí điểm, bước đầu chương trình đã thu được kết quả đáng khích lệ, khuyến khích nhiều gia đình nông dân ở Hà Nội tham gia trồng loại giống lúa này.
* Mục đích “kép”
Ảnh minh họa. Nguồn: ktdt.com.vn |
Chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao của Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội được xây dựng với mục đích "kép" nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích canh tác cho nông dân và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Với 34 mô hình mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, trung bình mỗi mô hình từ 100 ha trở lên. Trung tâm đã triển khai tại 11 huyện ngoại thành với quy mô 10.670ha, thu hút 71.048 hộ tham gia sản xuất. Kết quả thu hoạch tại các HTX năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha/vụ. Năm 2010, năm đầu tiên triển khai tại 7 HTX với tổng diện tích 1.270ha, sản lượng đạt 6.858 tấn. Năm 2011, mô hình được nhân rộng lên 13 HTX với 2.400ha, sản lượng đạt 13.680 tấn. Năm 2012, mô hình triển khai tại 31 HTX với 7.000 ha, sản lượng đạt 37.102 tấn. Giá trị sản phẩm lúa hàng hóa trong 3 năm đạt 518,760 tỷ đồng; hiệu quả kinh tế đạt 195,261 tỷ đồng, tăng hơn so với lúa thường (khang dân 18) 120,680 tỷ đồng.
Không chạy theo năng suất mà chương trình hướng đến chất lượng, giá trị kinh tế; một sào cấy lúa chất lượng cao sau khi thu hoạch đem bán trên thị trường cho thu về cao hơn 2 sào cấy lúa thông thường. Qua triển khai trên thực tế mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội, ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội cho biết: Địa phương nào đã tham gia Chương trình đều xin mở rộng thêm diện tích. Nguyên nhân chính là do khâu tiêu thụ rất đảm bảo, không sợ tồn đọng lúa thương phẩm dù sản lượng có lớn đến chừng nào, diện tích có mở rộng lớn đến bao nhiêu.
* Xây dựng thương hiệu “gạo Thủ đô”
Dù hạt gạo có ngon, có đảm bảo an toàn nhưng không nguồn gốc, không tên gọi, không xuất xứ thì cũng khó có thể tạo được sự tin cậy của nhiều người tiêu dùng. Nắm rõ được quy luật thị trường đó, bước đầu, Trung tâm đã tư vấn và xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể là gạo Bồ Nâu và gạo Thủ đô. Trong thời gian tới, để giúp bà con đưa hạt gạo thương phẩm này “bay” xa hơn, Trung tâm cũng đang xây dựng thêm 4 nhãn hiệu, mang thương hiệu gạo Thủ đô chất lượng cao và đảm bảo sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao phải đạt hiệu quả hơn lúa thường 15-20%, góp phần tăng năng suất so với sản xuất lúa thường khoảng 12 triệu/ha/vụ.
Giám đốc Trung tâm Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng cũng cho biết: Rất mong muốn xây dựng được sàn giao dịch nông sản trong thời gian tới. Khi đó, các mặt hàng nông sản của Thủ đô sẽ có tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, mua bán dễ dàng, lợi nhuận cao, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho nông dân, tạo bản sắc cho nông nghiệp đô thị. Hiện nay, trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được phối hợp khá nhịp nhàng giữa 4 nhà: Nhà nông- nhà khoa học- nhà quản lý- nhà kinh doanh. Nhìn chung, Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cũng đã đảm bảo được từ việc cung ứng giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, kể cả ở các tỉnh lân cận cũng đã tiêu thụ tới 65% lúa hàng hóa. Tuy nhiên, chương trình sản xuất lúa chất lượng cao vẫn còn một số hạn chế như: Quy hoạch một số điểm chưa tập trung, chọn giốnxua , chăm sóc chưa tốt. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị làm đất, thu hoạch, chế biến, bảo quản chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, dự tính, dự báo phát hiện sâu bệnh hại của cán bộ kỹ thuật một số nơi chưa kịp thời.
Để khắc phục những hạn chế đó, giai đoạn 2 của chương trình, Trung tâm sẽ mở rộng quy mô trồng từ 73.000 ha -74.000 ha, sản lượng xấp xỉ 400.000 tấn thóc, đáp ứng được 30-35% nhu cầu lương thực của 6 triệu người Hà Nội; đồng thời mở thêm các đợt tập huấn cho 40.000 - 45.000 lượt cán bộ, nông dân trực tiếp tham gia sản xuất tại 11 huyện trọng điểm lúa để nắm rõ kỹ thuật trồng và bảo quản sau thu hoạch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đã đánh giá cao mô hình này và cho rằng đây là mô hình đạt hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Thủ đô, cần được nhân rộng. Chương trình đã thành công ở cả ba phương diện lớn: Diện tích lớn, hiệu quả cao và nhất là niềm tin của chính quyền và nhân dân. Điều này chứng tỏto Hà Nội đã có những hướng đi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu, tăng giá trị nông nghiệp để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phương Anh