Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 104/112 xã (93%) đạt chuẩn nông thôn mới; 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các địa phương còn lại ở giai đoạn hoàn thiện những hạng mục còn lại để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 theo đúng kế hoạch.
Ngay từ khi bước vào xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã có chủ trương không chạy theo hình thức mà đi vào thực chất, làm đến đâu chắc đến đó để đạt mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu của chương trình.
Cụ thể, để có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh thực hiện, hoàn thiện các tiêu chí; đánh giá tổng thể, toàn diện quá trình xây dựng để làm rõ những mặt tích cực và hạn chế, đặc biệt là việc sử dụng ngồn vốn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Giai đoạn 2011-2016, Vĩnh Phúc đã huy động gần 8.968 tỉ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình dự án khác... thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Giai đoạn 2017-2020, Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên 4.000 tỉ đồng.
Tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền để người dân tự nguyện tham gia và ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đảm bảo việc bố trí, sử dụng nguồn vốn cho chương trình phải được giải quyết kịp thời, cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không gây thất thoát, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực nảy sinh…
Sau nhiều năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Vĩnh Phúc đã thay đổi rất rõ nét. Vĩnh Phúc có 100% số xã được quy hoạch; tất cả đường liên xã, trục xã, trục thôn, ngõ xóm, đường giao thông nội đồng cơ bản đã được cứng hóa.
Đặc biệt, toàn tỉnh xây mới được 2.035 phòng học kiên cố, trong đó bậc Mầm non xây mới 1.012 phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố lên 89%, tăng 38% so với năm 2010; bậc Tiểu học xây mới 795 phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố lên 93%, tăng 9% so với năm 2010; bậc Trung học cơ sở xây mới 228 phòng học, nâng tỷ lệ kiên cố lên 96%, tăng 5% so với năm 2010. Giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh có thêm 196 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 80 trường Mầm non, 20 trường Tiểu học và 96 trường Trung học cơ sở.
Hiện toàn tỉnh có 137/137 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 100%), 105/137 xã, phường, thị trấn có sân vận động, nhà luyện tập thể dục thể thao và các hạng mục đảm bảo tiêu chí hoạt động của Trung tâm văn hóa (chiếm 76,6%), các xã còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Đây là những điều kiện thuận lợi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu theo định hướng của Trung ương và quy định cụ thể của tỉnh nhằm tạo nên diện mạo mới, đổi thay thực sự ở các địa phương...