Điểm sáng 'tập hợp sức mạnh nội lực' xây dựng nông thôn mới

35 xã đã về đích nông thôn mới; thêm 3 huyện, thị đang được Trung ương thẩm định hoàn thành, điều này đã góp phần nâng cấp bộ mặt vùng nông thôn tỉnh Bình Phước thêm phần khởi sắc. Thành quả đó là nhờ chính quyền đã vận dụng “tập hợp sức mạnh nội lực” của nhân dân.

Chú thích ảnh
Làm đường nông thôn mới tại huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. 

Điểm sáng Tân Lợi

Trước đây, xã nông thôn mới Tân Lợi là xã vùng sâu vùng xa của huyện Đồng Phú, với đa phần dân di cư tự do đến đây lập nghiệp nên rất nghèo. Điện, nước, trường, đường vốn là các tiêu chí khó trên vùng đất này. Thế nhưng, trong 9 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, 19 tiêu chí ở Tân Lợi đều vượt qua và trở thành xã nông thôn mới xa nhất huyện Đồng Phú về đích sớm.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Nguyễn Đức Việt Tựu chia sẻ: Tân Lợi nằm xa trung tâm huyện, đất rộng, dân cư không tập trung, chủ yếu là dân di cư tự do từ các tỉnh thành trong cả nước về sinh sống; đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51,2%, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chiếm trên 85% (trước năm 2017)… Từ đó, việc đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bị hạn chế, thương mại dịch vụ hầu như không có…

Ông Tựu cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới chính là điểm tựa để chính quyền địa phương xây dựng chủ trương “hành động”. Theo đó, chính quyền xã đã bắt tay vào chỉ đạo thực hiện ngay bộ tiêu chí với phương châm trong xây dựng nông thôn mới là: “Việc gì khó, có nhân dân” và xem đây là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới của xã. Kết quả, tiêu chí về giao thông được nhân dân quan tâm nhất thông qua huy động dân đóng góp sức và tiền đến 25% tổng giá trị vốn đầu tư làm đường giao đường. Đến nay, xã hoàn thành 7 tuyến đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù, với chiều dài hơn 7,5 km cùng với hơn 20 km đường nhựa và 15 tuyến đường cấp phối sỏi.

Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi, về cơ bản, khó khăn tại xã còn rất nhiều, trong đó Tân Lợi cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa nghèo (còn 0,3% với 28 hộ), nâng cấp tiêu chí đưa nông thôn mới “thăng hạng” lên cấp cao hơn. Mục tiêu đó đang được chính quyền hoạch định với các dự án cụ thể như thực hiện 2 dự án mô hình nuôi bò sinh sản và mô hình tưới nước tiết kiệm với tổng nguồn vốn đầu tư 606 triệu đồng; thành lập thêm chợ mới ở ngã ba ấp Thạch Màng để nhân dân thuận lợi mua bán, kinh doanh hàng nông sản của địa phương…

Ông Nguyễn Thanh Đạt, ngụ ở thôn Thạch Màng, xã Tân Lợi chia sẻ: Nhà nước quan tâm làm đường bê tông, kéo điện về làng. Nhờ vậy, người dân đã dễ dàng đi lại làm ăn, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Tập hợp sức mạnh của nhân dân

Chú thích ảnh
Nhiều cá nhân đã tự giác, tích cực vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ tiền vốn làm đường giao thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đánh giá, các tiêu chí về thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là những “nút thắt” quá khó, do địa bàn tỉnh rộng và thưa dân cư; trong đó, tiêu chí làm đường nông thôn là nan giải nhất.  

Tuy nhiên, tiêu chí làm đường giao thông nông thôn đã được nhân dân nơi đây quan tâm hàng đầu. Nhiều cá nhân đã tự giác, tích cực vận động nhân dân hiến đất, ủng hộ tiền vốn làm đường giao thông. Tiêu biểu như: Ông Trương Đường, xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng) đóng góp hơn 700 triệu đồng làm đường. Ông Nguyễn Viết Tuyên (ấp 3, xã Mình Thành, huyện Chơn Thành) tự nguyện hiến đất và đóng góp 1 tỉ đồng. Ông Hoàng Văn Thàm, phường Tiến Thành (thành phố Đồng Xoài) hiến 1.060 m2 đất làm đường. Ông Phùng Tiến Quang, phường Tiến Thành (thành phố Đồng Xoài) hiến 4.000 m2 đất và 240 cây cao su đã khai thác với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng để làm kè suối…

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, sôi nổi khắp nơi trong tỉnh Bình Phước bằng việc huy động tốt nội lực và sức sáng tạo trong nhân dân. Trong 10 năm qua (2010-2019), tỉnh đã huy động nhân dân các địa phương tự nguyện hiến gần 2.000 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã hoàn thành tiêu chí về quy hoạch; 100% xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông; 35 xã hoàn thành tiêu chí về giao thông. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ở Bình Phước đạt hơn 57 triệu đồng/người, tăng 2,1 lần so với năm 2011. Thu ngân sách toàn tỉnh năm 2019 ước đạt 9.000 tỉ đồng. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà Bình Phước.

Dự kiến đến hết năm 2019, Bình Phước có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của tỉnh lên 48 xã, chiếm 53% dân số xã trong toàn tỉnh. Một số công trình, dự án trọng điểm như bê tông hóa 1.000 km đường giao thông nông thôn; xóa 1.000 hộ nghèo (phần lớn hộ đồng bào dân tộc thiểu số)... được tỉnh Bình Phước phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 hướng tới đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; đến năm 2025, 80% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN