Hậu Giang hướng đến người dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới

Ngày 21/10, tại buổi khảo sát về tình hình triển khai chính sách đầu tư trong nông thôn mới tại Hậu Giang, ông Trần Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Hậu Giang cần tiếp tục thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới; trong đó hướng đến người dân cùng tham gia.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

“Hậu Giang cũng giống nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có xuất phát điểm thấp, suất đầu tư cao, địa phương rộng nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế, khiêm tốn nên nếu chỉ Nhà nước đầu tư sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra. Do vậy, cần hướng đến sự tham gia của các doanh nghiệp và chủ thể người dân là chính. Người dân cần tham gia tất cả các nội dung liên quan xây dựng nông thôn mới, có những hạng mục đầu tư phải do người dân quyết định và thực hiện”, ông Trần Anh Dũng nói.

Ông Trần Thanh Lâm, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, thời gian qua, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có nhiều nỗ lực nên nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so mức trung bình của tỉnh. Dù nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh bố trí cho huyện chưa đáp ứng được nhu cầu, nhưng huyện đã khắc phục bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo đó, huyện thực hiện bằng các phong trào, như: chiến dịch giao thông thủy lợi, người dân tham gia hiến đất, góp công sức giao thông nông thôn. Nên nguồn vốn xây dựng thông thôn mới trên địa bàn huyện của người dân chiếm tỷ lệ cao từ 10% đến 30%, nguồn vốn của tỉnh chưa đầy 10% và nguồn vốn của Trung ương chỉ chiếm 5%.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng, thời gian tới, Trung ương cần có hệ số đầu tư giữa các vùng miền trong bố trí nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Như vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu, kênh rạch chằng chịt nên suất đầu tư sẽ cao hơn các vùng miền khác trong cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có hướng dẫn Nghị định 161/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, để địa phương áp dụng thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Màu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến 2019, tỉnh được Trung ương bố trí nguồn vốn trên 420 tỷ đồng, chiếm 3,3%.

Dự kiến, Hậu Giang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối nhiệm kỳ sẽ vượt kế hoạch đề ra trong khi nguồn vốn của tỉnh rất hạn hẹp. Để đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch, đề nghị Trung ương xem xét bổ sung nguồn vốn cho tỉnh trong năm 2019.

Đến nay, Hậu Giang có 29/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, khả năng đến cuối năm 2019 công nhận thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân xã đạt 15,5 tiêu chí/xã, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Tổng vốn huy động thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Hậu Giang đạt gần 13.000 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, tỉnh và các địa phương đã tập trung đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn như cầu, lộ giao thông nông thôn; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; trạm y tế, hệ thống nước sạch; điện sinh hoạt…

Bên cạnh đó, các địa phương còn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng nhiều mô hình trình diễn để làm cơ sở cho nông dân nhân rộng. Tỷ lệ hộ nghèo của Hậu Giang đã giảm từ 8,92% năm 2010 xuống còn 5,53% năm 2018.

Duy Ba (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển giáo dục ở nông thôn
Xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển giáo dục ở nông thôn

Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt những kết quả cao trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS). Chương trình phổ cập giáo dục trung học đạt kết quả tốt, chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên, phổ cập mầm non và xoá mù chữ đạt kết quả bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN