Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo đời sống cho công nhân, trong đó việc xây dựng nhà lưu trú là nhiệm vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Chính chủ trương xã hội hóa nhà ở cho công nhân đã giúp hàng ngàn căn nhà lưu trú mọc lên với hệ thống hạ tầng khang trang, sạch sẽ, đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn công nhân có nơi ở ổn định.
Khang trang như nhà ở thương mại
Ghé thăm khu nhà lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, trước mắt chúng tôi là hai tòa nhà cao tầng mới xây dựng khang trang, sạch sẽ với đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội hiện đại.
Nhà lưu trú công nhân ở KCX Tân Thuận khang trang như nhà ở thương mại. |
Khu nhà lưu trú công nhân KCN Hiệp Phước do Công ty CP KCN Hiệp Phước làm chủ đầu tư với số vốn hơn 50 tỷ đồng với tổng cộng 133 phòng, đủ phục vụ cho hơn 1.100 chuyên gia và người lao động. Diện tích các phòng ở khá đa dạng từ 25 đến 120 m2, với giá thuê chỉ 200 đến 250 ngàn/người/tháng nhưng các phòng đều được trang bị đầy đủ tiện nghi từ giường, tủ, quạt, hệ thống điện thoại, Internet, truyền hình cáp được cung cấp miễn phí. Hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước, vệ sinh môi trường cùng với các điều kiện về thông tin, giải trí, thể dục thể thao, căng tin, nhà trẻ được đầu tư hoàn chỉnh và nhiều ưu đãi cho công nhân.
Tương tự, ba dãy nhà lưu trú cho công nhân cao sáu tầng của Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức) cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Khu nhà lưu trú này đáp ứng 2.000 chỗ ở, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, có phòng đọc sách, karaoke, phòng tập thể dục thẩm mỹ, khu vực tư vấn sức khỏe, tâm sinh lý cho công nhân... Tất cả các dịch vụ này đều miễn phí cho công nhân.
Chị Trần Thị Mỹ Nhi, công nhân Công ty Nissei Electric Việt Nam, đang sinh sống tại khu nhà lưu trú, phấn khởi cho biết: “Nếu thuê phòng trọ ở ngoài mỗi khi Nhà nước tăng lương và giá cả thị trường tăng là chủ nhà trọ đều tăng giá nhà trọ. Nhưng vào ở nhà lưu trú thì yên tâm không phải nơm nớp lo chuyện tăng giá phòng trọ như trước đây. Do được công ty hỗ trợ chi phí nên hàng tháng mỗi công nhân chỉ đóng thêm 20.000 đồng tiền điện, nước”.
Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng:
Bảo đảm chỗ ở, môi trường sinh hoạt cho người lao động là vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Nhà nước bỏ tiền ra xây hoặc có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp xây nhà trọ cho công nhân. Đơn cử, mô hình nhà lưu trú công nhân trong KCX Tân Thuận được đầu tư rất bài bản, người lao động chỉ bỏ ra với chi phí phòng trọ rất thấp nhưng vẫn bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt đầy đủ tiện nghi. Điều đó giúp người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh:
Chính sách xã hội hóa nhà ở công nhân đã khuyến khích các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tham gia đầu tư xây dựng nhà lưu trú để góp phần ổn định cuộc sống cho công nhân, người lao động. Giá thuê phòng tại một số khu lưu trú rẻ hơn so với các nhà trọ xung quanh. Một số nơi như khu lưu trú công nhân KCN Tân Thuận do Công ty Đức Bổn và Công ty Hung Way làm chủ đầu tư còn miễn phí tiền thuê nhà lưu trú công nhân hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà vào lương đối với trường hợp công nhân không thuê nhà lưu trú. Tại khu lưu trú công nhân KCX Linh Trung I do Công ty Nissei Electric làm chủ đầu tư, công nhân được hỗ trợ mỗi suất ăn từ 10.000 - 12.000 đồng/người. Ngoài ra, tại các khu lưu trú còn có các công trình phụ trợ như phòng đọc sách báo, phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, thể dục - thể thao, siêu thị mini... |
Anh Trần Văn Tài, công nhân Công ty Vĩnh Tường thuộc KCN Hiệp Phước cho biết: “Kể từ ngày về ở nhà lưu trú, do giá điện nước theo giá nhà nước nên rẻ hơn nhiều so với đi thuê phòng ở trọ bên ngoài. Khu nhà lưu trú lại có chỗ giữ trẻ nên các hộ gia đình có con nhỏ rất yên tâm”.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã xây dựng hơn 1,4 triệu m2 sàn nhà lưu trú cho công nhân, đáp ứng khoảng 461.200 chỗ ở cho công nhân, trong đó, Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng hơn 235 nghìn m2, đáp ứng 40.400 chỗ ở. Xã hội hóa đầu tư xây dựng từ các hộ gia đình, cá nhân đạt khoảng 30% so với kế hoạch. Chỉ riêng năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành hai dự án nhà lưu trú, đáp ứng khoảng 4.000 chỗ ở cho công nhân.
Thành phố cũng đã chấp thuận chuyển một dự án nhà ở cho học viên sau cai nghiện được xây dựng từ năm 2008 sang làm nhà ở cho công nhân cụm công nghiệp Nhị Xuân, đáp ứng khoảng 1.300 chỗ ở. Trong năm 2014, thành phố cũng triển khai nhiều dự án lớn như Dự án nhà lưu trú công nhân KCN Tân Thới Hiệp do DNTN Giáp Lĩnh An và KCX Linh Trung II do Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư. Xây dựng nhà lưu trú công nhân giai đoạn 2 tại KCX Tân Thuận và các KCN mới (Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ)...
Cần có nhiều chính sách ưu đãi
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 15 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động thu hút khoảng 250.000 lao động, trong đó, có đến 70% người lao động có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Dự báo đến năm 2015, số lượng công nhân trong các KCN sẽ tăng đến khoảng 500.000 người. Tuy nhiên, theo phê duyệt về xây dựng nhà lưu trú cho công nhân của UBND TP Hồ Chí Minh đến năm 2015 chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chỗ ở trên của công nhân.
Bà Trần Thị Kim Tuyến, Giám đốc chăm sóc khách hàng Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước cho biết, mặc dù Nhà nước chủ trương giao đất, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ lãi vay, nhưng việc tiếp cận và huy động tài chính từ các quỹ đầu tư, ngân hàng để xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân cũng không đơn giản.
Có trường hợp chủ đầu tư có đất, được miễn tiền sử dụng đất nhưng lại không được thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng và triển khai dự án. Nhà ở công nhân thì chỉ được phép cho thuê, lưu trú, không cho mua bán, thay đổi mục đích kinh doanh... nên khả năng thu hồi vốn rất chậm, tối thiểu cũng mất 20 năm. Trong khi thời hạn vay tối đa đối với những dự án này thường từ 7 đến 10 năm, nhưng để chứng minh với ngân hàng về thời gian thu hồi vốn và tính khả thi của dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê thì chủ đầu tư lại không thể thực hiện được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay cả quy định về giá thuê nhà lưu trú cho công nhân cũng đang gặp nhiều bất cập, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà lưu trú đã xây khang trang, sạch đẹp nhưng vẫn không có công nhân vào ở. Cụ thể, theo Thông tư 15/2009/TT - BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp thì việc “tính đúng tính đủ” các chi phí cần thiết theo quy định thì giá thuê cho 1 m2 sử dụng căn hộ trong 1 tháng là 269.715 đồng/m2/tháng. Với mức giá này thì thu nhập của công nhân sẽ không chi trả nổi. Nhưng nếu không tính đúng tính đủ giá thuê thì chủ đầu tư cũng không có nguồn vốn để tái đầu tư, khấu hao, duy tu sửa chữa và duy trì bộ máy quản lý.
Nhà lưu trú công nhân là một trong những tiện ích xã hội để phục vụ nhu cầu chỗ ở ổn định cho công nhân. Tuy nhiên, hiện tại nguồn thu từ hoạt động cho thuê nhà lưu trú công nhân thu không đủ bù chi. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã thuê và tự tìm kiếm quỹ đất ngoài KCN, KCX để xây nhà ở công nhân cần được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước và các địa phương. Những chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực hơn để cùng Nhà nước xây dựng thêm nhiều nhà ở cho công nhân.
Vũ Nguyên - Lê Hiền