Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
Hơn 60 đại biểu đại diện cho các Ủy ban Quốc hội, các bộ, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo ba tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa dự phiên họp.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đây là dự án luật lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ lập pháp ở Việt Nam, khối lượng công việc để hoàn thiện dự án luật còn rất lớn, cần sớm hoàn thành để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 hoặc thứ 6 tới.
Theo Báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án luật này là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Qua đó, hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính…
Trong đó, quan điểm dự án luật này cần xây dựng thể chế, chính sách đột phá, đặc biệt và vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, phù hợp với Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có tính cạnh tranh quốc tế.
Ngoài việc đánh giá tổng quát dự án Luật gồm 6 chương với 92 điều và 4
phụ lục kèm theo, phiên họp đã đi sâu phân tích, cho ý kiến một số nội
dung lớn của dự thảo luật như: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị
hành chính - kinh tế đặc biệt; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc
biệt thuận lợi, xác định các ngành nghề đầu tư kinh doanh; các chính
sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai vượt trội so với quy định hiện hành
và cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới; chính sách huy động
nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt này…
Điểm du lịch Bãi Sao (Phú Quốc). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, đến năm 2016 trên thế giới có khoảng 4.500 đặc khu thuộc 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại châu Á, nhiều đặc khu đã có những thành công vượt trội như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.