Đề xuất chính sách thu hút vốn cho 3 đặc khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được xin ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo đó, Bộ đề xuất nhiều chính sách ưu đãi về đất đai và thuế để tăng cường khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Khách du lịch bơi thuyền tại Bãi Khem, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Mục tiêu của Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, để khai thác tốt nhất các tiềm năng và lợi thế của các khu vực này.

Cụ thể, hướng tới thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, quản lý tiên tiến từ nước ngoài, hình thành khu vực tăng trưởng cao, với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; đồng thời, thu hút các ngành, nghề phát triển hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), khởi nghiệp sáng tạo, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...

Về cơ chế ưu đãi chung cho 3 đặc khu kinh tế, Dự thảo Luật đề xuất hàng loạt ưu đãi như: miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá năm 2030 đối với cá nhân khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đối với những nhà quản lý, khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân tại 3 đặc khu kinh tế kể trên, cũng được miễn thuế đến hết năm 2030 và giảm 50% số thuế theo các năm còn lại.

Cũng cùng mục tiêu xây dựng trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước, Vân Đồn sẽ được ưu tiên phát triển du lịch sinh thái biển đảo, phát triển công nghiệp sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Riêng Vân Phong với địa thế của mình được ưu tiên phát triển cảng nước sâu và dịch vụ logistics và các dịch vụ y tế, nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ về đất đai, nhà ở trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài để giảm bớt sự khác biệt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về đất đai, nhà ở giữa tổ chức và cá nhân nước ngoài với tổ chức và cá nhân trong nước.

Dự thảo Luật cũng đưa ra những quy định về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá năm 2030 đối với cá nhân khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đặc biệt, theo đề xuất đưa ra tại Dự thảo, những dự án đầu tư có thời hạn thực hiện từ 10 năm trở lên của nhà đầu tư nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư trong ngành, nghề như du lịch, dịch vụ thương mại, phân phối, bán lẻ...; và dự án đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới và của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, quỹ đầu tư 100% nước ngoài sẽ được ưu đãi thêm 2 năm miễn thuế và 4 năm giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Dự thảo Luật, Phú Quốc được ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và mua sắm quốc tế. Bên cạnh đó, đây sẽ là đặc khu duy nhất được ưu tiên phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá...

Thúy Hiền (TTXVN)
Dự án luật về đặc khu kinh tế: Bảo đảm phát triển bền vững
Dự án luật về đặc khu kinh tế: Bảo đảm phát triển bền vững

Sáng 2/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp, thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Đặc khu).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN