Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân

Tiền Giang có thế mạnh về nông nghiệp, là vựa lúa gạo, vựa rau màu, thủy hải sản lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất bền vững, tỉnh còn chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Trao chứng nhận OCOP cấp tỉnh cho các chủ thể tỉnh Tiền Giang, ngày 29/1/2021.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, tiến tới liên kết sản xuất – tiêu thụ bền vững theo chuỗi thực phẩm an toàn như: Chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tình Tiền Giang…

UBND tỉnh Tiền Giang còn yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông, vận động và nâng cao ý thức các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thị trường, phát huy vai trò nông hộ, trang trại trồng trọt và chăn nuôi, các tổ hợp tác và hợp tác xã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, chuỗi các siêu thị và nhà hàng trong ngoài tỉnh… nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng.

Tỉnh quan tâm đào tạo, tập huấn cách thức sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc như: Quy trình sản xuất theo GAP, HACCP, ISO… cho các đối tác có liên quan, đồng thời tổ chức nhiều diễn đàn liên kết, trao đổi, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo điều kiện cho nông dân cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các Hội chợ trong và ngoài tỉnh, nhằm xúc tiến thương mại, hỗ trợ gắn tem điện tử (QR code) nhận diện và truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm để kiểm soát an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Đây là tiêu chí cần phải có đối với người sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tổ chức trên 800 cuộc tuyên truyền, vận động cơ sở, doanh nghiệp liên kết tạo các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, thu hút trên 24.500 lượt người tham dự. Tiền Giang còn phối hợp Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thực hiện chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới” tại 15 cơ sở có các sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như: Công ty trà Vĩnh Phát, Hợp tác xã Rau an toàn Gò Công, Hợp tác xã Rau an toàn Thạnh Hưng, Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông, Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, Hợp tác xã Chăn nuôi gà Đất Việt,... Tổ chức trên 100 cuộc kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, tem nhãn nhận diện, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm được xác nhận an toàn theo chuỗi. Ngoài ra, trao 65 biển ghi thông tin công khai kết quả xếp loại A, B cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn.

Đến nay, 60 cơ sở được xác nhận sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn với 37 sản phẩm gồm: Gà thịt, rau củ các loại, thịt heo, lạp xưởng, mắm tôm chà, mắm ruốc, trà mãng cầu, trứng gia cầm, gạo, chả lụa, nem,... Trong đó, đối với chuỗi sản phẩm động vật đã cấp 19 Giấy xác nhận với sản lượng thịt gà đạt gần 79 ngàn con/năm; thịt lợn trên 34 tấn/năm; trên 8,4 triệu trứng/năm; lạp xưởng, nem, chả lụa 20 tấn/năm. Chuỗi sản phẩm thực vật đã cấp 34 Giấy xác nhận với sản lượng rau, củ, quả đạt trên 1.069 tấn/năm; cải muối, cải chua 187 tấn/năm. Chuỗi sản phẩm thủy sản cấp 06 Giấy xác nhận với sản lượng cá cơm sấy ăn liền trên 3 tấn/năm…

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ trên 782.424 tem điện tử dán trên sản phẩm truy xuất nguồn gốc nhằm quảng bá, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại sản phẩm đã được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, tạo lòng tin cho người tiêu dùng và cũng là nhu cầu thiết thực của người sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các biện pháp đã tạo chuyển biến tích cực, mở ra cơ hội liên kết giữa nông hộ, các tổ hợp tác và hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tiến tới hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Qua đó, Tiền Giang đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua kiểm soát quá trình sản xuất, thiết lập hệ thống quản lý giám sát sản phẩm xuyên suốt từ khâu sản xuất đầu vào - đầu ra đến tận người tiêu dùng, lên cả bàn ăn của từng gia đình.

Đối với tổ chức, cá nhân và người sản xuất, khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã tạo dựng được lòng tin của cơ sở đối với người tiêu dùng vì sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm ở các khâu thông qua sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Từ đó, giá trị sản phẩm nâng lên từ 15% đến 20% so với sản phẩm thông thường.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn bộc lộ hạn chế như: Quy mô mỗi chuỗi còn nhỏ lẻ, sản lượng chưa ổn định, nhiều sản phẩm chuỗi phụ thuộc vào mùa vụ nên việc liên kết đầu ra gặp khó khăn. Tỉnh đưa ra nhiều giải pháp khắc phục nhằm khuyếch trương thành quả đạt được, tiếp tục tuyên truyền sản phẩm chuỗi, các cơ sở tham gia Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” và các cơ sở sử dụng sản phẩm chuỗi, nhằm khuyến khích tiêu dùng sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn.

Tỉnh tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ trong tỉnh, trong vùng và các thành phố lớn trong cả nước; tiếp tục phối hợp các tỉnh ký kết quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đẩy mạnh truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm của cơ sở tham gia chuỗi; tăng cường giám sát chất lượng các cơ sở đã được chứng nhận vào chuỗi, thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm, lấy mẫu giám sát chất lượng các sản phẩm tham gia chuỗi...

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP Tiền Giang). Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND tỉnh Tiền Giang khai trương 3 Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang tại thành phố Mỹ Tho. Điểm giới thiệu, bán sản phẩm tập hợp khá đầy đủ các sản phẩm OCOP, các loại nông sản và sản phẩm đặc trưng đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế địa phương. Đây cũng là cách tiếp cận thị trường mới trong việc phát huy nội lực, nâng cao vai trò và mở rộng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia chuỗi cung ứng ngành Hàng không Vũ trụ toàn cầu 
Doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia chuỗi cung ứng ngành Hàng không Vũ trụ toàn cầu 

Công ty Thông tin M3 (một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội) vừa trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành Hàng không Vũ trụ toàn cầu, theo thông báo của Tập đoàn Vũ trụ Meggitt. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN