Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước - Bài 1

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình trạng xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn tiếp tục tăng cao.

BÁO ĐỘNG NGUỒN NƯỚC SẠCH TẠI TP HỒ CHÍ MINH 

Hiện tượng El Nino kéo dài khiến khô hạn diễn ra gay gắt; nhiều con sông bị giảm lưu lượng nước 40 - 50% so với cùng kỳ nhiều năm. Hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai không thoát khỏi tình cảnh bị nước biển xâm thực sâu, đe dọa nguồn cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân TP.HCM.

Nhiều nguồn nước nhiễm mặn

Các hồ chứa ở thượng nguồn như Dầu Tiếng - Phước Hòa, Trị An do không tích đủ nước cuối mùa mưa năm 2015 nên rất khó khăn cho việc cấp nước, ngăn xâm nhập mặn ở cuối nguồn. Mặn xâm nhập sâu khiến các trạm bơm nước thô cho nhà máy nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Tân Hiệp có thời điểm phải ngưng lấy nước.

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình trạng xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn tiếp tục tăng cao. Các số liệu quan trắc của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho thấy, lượng nước thô lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhiều thời điểm độ mặn đã lên đến 600 mg/lít, vượt ngưỡng cho phép trên 2 lần.

Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa liên tục vận hành tiếp nước từ hồ thủy lợi để bảo đảm tưới cho gần 60.000 ha cây trồng vụ đông xuân và khoảng 50.000 ha vụ hè thu 2016 cho địa bàn tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi TP Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là hai con sông cung cấp khoảng 70 - 80% nhu cầu sử dụng nước cho người dân TP.HCM nên nếu xâm nhập mặn gia tăng thì việc cấp nước cho thành phố rất đáng báo động. Tháng 4 và 5 vẫn còn trong mùa khô nên sẽ không có thêm lượng nước bổ sung, do đó, năm nay khu vực này sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn về nguồn nước.

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, do độ mặn trong nước sông Sài Gòn và Đồng Nai tăng cao, từ đầu năm 2016 đến nay, thời gian các nhà máy nước ngưng lấy nước nhiều hơn mọi năm. Nhà máy nước Tân Hiệp có thời điểm phải ngưng lấy nước thô đến 6 giờ/ngày. Nếu hồ Dầu Tiếng không xả nước để đẩy mặn thì tình hình còn nguy cấp hơn.

Trước tình hình xâm nhập mặn còn diễn ra gay gắt, trước mắt Sawaco sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ, liên tục diễn biến của độ mặn nước sông để cảnh báo sớm xâm nhập mặn; đồng thời phối hợp với các hồ chứa đầu nguồn để xả nước đẩy mặn kịp thời. Sawaco cũng sẽ chủ động điều tiết hoạt động lấy nước thô và vận hành sản xuất của các nhà máy phù hợp để đảm bảo chất lượng nước luôn đúng quy định. Các công ty trong hệ thống của Sawaco, đơn vị quản lý mạng lưới cũng như nhà máy nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để điều tiết lượng nước sạch bổ trợ cho các nhà máy bị ảnh hưởng khi cần thiết, nhằm đảm bảo áp lực, lưu lượng nước cung cấp vào mạng lưới. Bên cạnh đó, các biện pháp cấp nước khẩn cấp (bằng xe bồn, bằng bồn chứa di động, cấp nước từ các trạm giếng nước ngầm...) cũng được chuẩn bị sẵn sàng để triển khai khi cần thiết.

Khó khăn trong điều tiết

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, mùa khô năm 2016 đến sớm, thời tiết nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn so với các năm trước, tình hình khô hạn xảy ra trên diện rộng, xâm nhập mặn với tần suất cao nên năm nay lượng nước phải xả về từ hồ Dầu Tiếng để xả nước đẩy mặn nhiều hơn so với những năm qua. Tính đến giữa tháng 4, hồ Dầu Tiếng đã có 7 đợt xả nước đẩy mặn với khoảng 97,38 triệu m3 cho sông Sài Gòn để cứu các nhà máy nước ở vùng hạ nguồn trước diễn biến xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Trong khi đó, theo tính toán hiện tại mực nước hồ còn ở cao trình 19,33 m, cao hơn cao trình mực nước chết là 2,50 m. Mực nước hiện tại trong hồ Dầu Tiếng chỉ còn khoảng 60% so với thiết kế dù lượng nước này đã được bổ sung từ hồ Phước Hòa nhưng vẫn bị thiếu hụt hơn 300 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2015. Vì thế việc xả nước đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn gặp nhiều khó khăn nếu mùa khô năm nay còn kéo dài đến hết tháng 5.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết dự kiến đợt thứ 8 hồ Dầu Tiếng sẽ tiếp tục xả từ lúc 21 đến 29/4 với lưu lượng khoảng 40 m3/s (khoảng hơn 23 triệu m3). Từ tháng 5 trở đi, nếu không có mưa, hồ Dầu Tiếng phải tiếp tục xả nước đẩy mặn cho nhà máy nước Tân Hiệp. Tuy nhiên, thời gian và lưu lượng xả còn phụ thuộc vào diễn biến của thủy triều. Cũng theo ông Dũng, việc cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi vẫn đảm đương nổi nhưng sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mùa khô năm 2016 dự kiến sẽ còn kéo dài và gay gắt. Lượng nước hồ còn lại cũng sẽ giảm nhiều nếu trời không có mưa và nắng nóng kéo dài nên người dân cần sử dụng nước tiết kiệm mới mong đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn cho vùng hạ du TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương và Long An. 

Bài 2: Sử dụng và điều tiết nguồn nước hợp lý

Việt Âu
Đảm bảo nước sinh hoạt cho vùng khô hạn
Đảm bảo nước sinh hoạt cho vùng khô hạn

Đắk Lắk đang bước vào cao điểm của mùa khô hạn, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương chủ động khoan giếng, xây dựng các công trình cấp nước tập trung hoặc hướng dẫn đồng bào thực hiện các biện pháp kỹ thuật lắng lọc đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN