Vượt khó tìm thị trường xuất khẩu dệt may

Kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm trong mua sắm nhiều hơn, trong đó có hàng dệt may đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vất vả tìm đầu ra. Nhiều DN đã phải chủ động tìm kiếm những thị trường mới trong nỗ lực giữ được mức tăng trưởng.

“Đói” đơn hàng sản xuất

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến giữa tháng 10/2011, xuất khẩu (XK) dệt may ước đạt hơn 11 tỉ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ. Ba thị trường quan trọng nhất đối với ngành vẫn là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. “Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 13 - 13,5 tỷ USD, trong hơn 2 tháng cuối năm, kim ngạch XK dệt may phải đạt mức trung bình khoảng 1,1 tỷ USD/ tháng. Với mức kim ngạch này, ngành dệt may tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu XK của cả năm”, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas lạc quan.

Thiếu đơn hàng xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn.


Tuy nhiên, các DN dệt may, nhất là DN nhỏ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do lượng hàng tiêu thụ đang giảm, đơn hàng ít đi và mức độ cạnh tranh để giành được đơn hàng tăng cao, đặc biệt là cạnh tranh gay gắt về giá. Thị trường chủ lực của Việt Nam đang gặp những khó khăn về tài chính, tiền tệ... cũng đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của DN. Theo ông Hồng, hiện rất ít DN có được đơn hàng đến hết năm 2011 và rất nhiều DN vừa, nhỏ đang rơi vào tình trạng “đói” đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng Giám đốc DHA Group cho biết, lượng đơn hàng của DN ký được trong những tháng cuối năm đã giảm tới 15 – 20% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho hay, tuy đã vào thời điểm đặt hàng cho vụ xuân hè năm 2012 nhưng lượng đơn hàng nhận được ở DN đã giảm 10 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy có tín hiệu trì trệ trong việc đặt hàng mới cho quý 1, 2/2012. “Năm 2012, tình hình cũng chưa thấy sáng sủa hơn. Thị trường XK dệt may sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ ở EU, Hoa Kỳ và do đó, mức độ tiêu thụ của các thị trường có xu thế chậm lại”, ông Hồng nói thêm.

Lạc quan thị trường mới

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, ngoài những bạn hàng truyền thống, cơ cấu thị trường XK hàng dệt may thời gian gần đây đã xuất hiện thêm các thị trường mới như Ănggôla, Niu Dilân, Cuba... Ngoài ra, XK dệt may sang những thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... cũng đạt mức tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng đến hơn 20% trong tổng kim ngạch XK của ngành. Theo ông Hồng, hiện nhiều DN đang tìm cách XK sang những thị trường mới và thực tế họ làm rất tốt. Cụ thể, XK dệt may sang Cuba được 892.000 USD, Braxin 16 triệu USD, Ấn Độ 11 triệu USD...

Vitas định hướng, thị trường Hoa Kỳ vẫn là thị trường cốt lõi cho việc đầu tư gia tăng XK của ngành trong thời gian tới. Kết hợp với Bộ Công Thương, Vitas đang tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường. Ngoài ra, các DN cần chú trọng đến thị trường EU, Nhật Bản, Nga, Trung Đông... và thị trường nội địa. Với thị trường nhỏ, chưa có những thương hiệu nổi tiếng, các DN có thương hiệu, vốn lớn... có cơ hội XK ODM (hình thức bán hàng may mặc XK bao gồm cả thiết kế, hoặc phát triển mạng lưới kinh doanh và phân phối).

“Nhìn xa hơn, theo tôi khi Hiệp định thương mại về hàng hóa ATIGA của ASEAN có hiệu lực vào năm 2015 sẽ xóa bỏ mọi thuế quan trong ASEAN, hàng của các nước Xinhgapo, Malaixia, Thái Lan... dễ dàng vào nội địa và ngược lại hàng dệt may Việt Nam có thể phát triển ra toàn khu vực”, ông Hồng cho hay.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN