Ngược lại… khi chúng tôi bắt đầu thu thập tư liệu để thực hiện chùm bài viết này, một tin xấu đã lan truyền từ đảo Bình Ba (xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), trên 60.000 con tôm hùm trị giá gần chục tỷ đồng của các hộ dân, đã chết sau một đêm, mà nguyên nhân ban đầu được cho là môi trường nuôi bị ô nhiễm.
Thu hoạch tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Lập/TTXVN
|
Trước hết, nền tảng để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững tại miền Trung, chính là cần phải đẩy mạnh việc quy hoạch, không chỉ quy hoạch tổng thể cấp vùng miền, mà đối với từng địa phương, từng khu vực nuôi cũng cần tính toán để phù hợp với phát triển ngành thủy sản nói chung, đáp ứng những yêu cầu về quy mô, điều kiện môi trường, khả năng đầu tư ở từng tiểu vùng tôm hùm nói riêng.
Trong Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2016, quan điểm để phát triển nghề nuôi tôm hùm là phải phát huy được lợi thế, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khai thác hiệu quả nguồn lực hiện có của các tỉnh ven biển miền Trung đối với lĩnh vực này, gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu rủi ro cho các vùng nuôi tôm hùm hiện có; phát triển và áp dụng công nghệ nuôi trong lồng biển ven bờ, nuôi trong hệ thống tuần hoàn trên bờ để gia tăng sản lượng tôm hùm… được đặt ra như những yêu cầu bắt buộc.
Quy hoạch này xác định hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn giữ vai trò chủ đạo với tổng thể tích 880.000 m3 lồng, chiếm 88% thể tích lồng nuôi của cả dải Duyên hải miền Trung, hướng đến mục tiêu đạt sản lượng của cả hai tỉnh khoảng 1.720 tấn/vụ vào năm 2020. Đối với các tỉnh, thành nằm về phía Bắc trung tâm này, như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, mỗi địa phương chỉ nên “gói gém” diện tích phù hợp, để đạt mức sản lượng từ 10 - 60 tấn/vụ. Xuôi vào phương Nam, hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có quy mô tương tự.
Cho đến thời điểm này, vẫn có rất ít tỉnh thành lập quy hoạch chi tiết cho các tiểu vùng nuôi tôm hùm của địa phương mình. Sau cơn bão số 12 vào cuối năm ngoái, tỉnh Khánh Hòa đã phải quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản để người dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, nhất là nghề nuôi tôm hùm. Mới đây, Khánh Hòa mới chính thức có quy hoạch chi tiết đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho phát triển nuôi trồng thủy sản, nhằm bố trí, sắp xếp lại các vùng nuôi tại ba vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh một cách hợp lý và ổn định lâu dài.
Hồi giữa tháng trước, trong một diễn đàn nghị sự, bàn về chuyên đề làm cách nào để nuôi tôm hùm đạt hiệu quả cao và bền vững tại các tỉnh miền Trung, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại thành phố Nha Trang, các nhà quản lý, giới nghiên cứu khoa học và cả đại diện doanh nghiệp, người dân trực tiếp nuôi tôm, đã lần lượt “mổ xẻ” nhiều tồn tại của vấn đề.
Theo đó, nội dung nào khi áp vào thực tế cũng đều ở trong tình trạng là “nút thắt” cho cả quá trình canh tác tôm hùm. Từ yếu tố môi trường và tình trạng bệnh dịch, đến việc cung ứng con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kể cả trong chỉ đạo điều hành ở địa phương và cả ngành quản lý… hầu hết đều cho thấy “guồng máy” nuôi tôm hùm chưa hoạt động đồng bộ, còn trắc trở. Cuối cùng chỉ có người trực tiếp trăn trở, dõi theo con tôm hàng ngày, mới phải đối mặt với nhiều trở ngại, khó khăn.
Và đâu là lời giải ? Khi bàn về nhóm giải pháp kỹ thuật, Tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho rằng, cần thiết kế lồng, bè nuôi dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di dời và lắp đặt, có khả năng hạ chìm khi có bão và chịu được bão cấp 12. Do đó, khuyến khích người nuôi sử dụng vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE, theo mẫu lồng của Na Uy.
Về kỹ thuật phòng, trị một số bệnh ở tôm như: bệnh sữa, bệnh đỏ thân, vốn là hai loại bệnh có tần suất bắt gặp khá cao ở tôm hùm nuôi, các chuyên gia nghiên cứu của Việt Nam cũng đã tìm ra phác đồ điều trị, tiến bộ kỹ thuật này ngày càng cải thiện thêm, khi kết quả điều trị bệnh cho tỷ lệ sống ở tôm đạt từ 90% trở lên đối với bệnh sữa và trên 80% đối với bệnh đỏ thân.
Vấn đề còn lại là người nuôi tôm nên chú trọng hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường nuôi, xử lý vệ sinh lồng bè nuôi thường xuyên, sử dụng thức ăn cho tôm bảo đảm chất lượng, có như vậy mới hạn chế nguồn lây và lan rộng dịch bệnh.
Trung tâm khuyến ngư Phú Yên cho rằng, cần phải kiên quyết giải tỏa số lồng bè nuôi mở rộng tự phát, sắp xếp lại lồng bè theo đúng số lượng đã quy hoạch; có quy định và quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn tươi, thu gom rác thải trong các khu nuôi tôm tập trung khi Việt Nam chưa thể sản xuất được thức ăn công nghiệp.
Trên thực địa, từ cuối năm 2017, xuất phát từ đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, tỉnh Phú Yên đã triển khai mô hình nuôi tôm hùm kết hợp với vẹm xanh, rong sụn tại xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu), nhằm cải thiện môi trường nuôi. Bước đầu cho thấy tôm hùm sinh trưởng khá tốt, môi trường nước xung quanh được cải thiện đáng kể, người dân còn có thêm nguồn thu nhập từ rong sụn và vẹm xanh. Đây cũng là mô hình đã được áp dụng và nhân rộng tại nhiều địa phương ở Khánh Hòa.
Gần đây, giới nghiên cứu khoa học Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu để hoàn thiện quy trình và kỹ thuật nuôi tôm hùm trong bể (tái sử dụng nước, đảm bảo tỷ lệ trao đổi nước cho bể nuôi tôm đạt 400%/ngày), với sự đóng góp của nhiều nhóm tác giả thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Quá trình thử nghiệm này đã nuôi được tôm hùm xanh và tôm hùm bông với những phân tích kết quả khá tốt, nhưng cần phải tiếp tục thí nghiệm để hoàn thiện ở mức cao nhất. Nếu công trình nghiên cứu này thành công và được áp dụng, sẽ là bước ngoặc mở ra một hướng mới trong kỹ thuật nuôi tôm hùm hàng hóa.
Đối với vấn đề tiêu thụ sản phẩm, khi tôm hùm ở Việt Nam hầu hết được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, chiếm đến 90% lượng xuất khẩu, chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Điều này cho thấy sự lệ thuộc lớn của tôm hùm Việt Nam vào thị trường này. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các sản phẩm tôm hùm đông lạnh hoặc chế biến dạng thức ăn nhanh. Đây là hạn chế lớn so với các nước trên thế giới. Chính vì điều này, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm cần đa dạng hóa sản phẩm. Đây là “chìa khóa” để mở rộng thị trường xuất khẩu ra các nước, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Một bè nuôi tôm hùm với gần 50 lồng nuôi khoảng 3.000 con từ 3 đến 10 tháng tuổi của hộ anh Lê Minh Khang trong vịnh Xuân Đài, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, muốn xuất khẩu được tôm hùm cần phải tổ chức lại sản xuất từ con giống, khâu nuôi đến chế biến sản phẩm. Bộ Công Thương sẽ xây dựng đề án xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ tôm hùm. Thị trường là khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị, nhưng lại đóng vai trò lớn để đánh giá hiệu quả kinh tế.
Trong tự nhiên, hàng bao đời nay con tôm hùm đã chọn vùng biển ven bờ miền Trung để sinh sôi, nảy nở. Khi được đưa vào lồng nuôi, cuộc chiến sinh tồn của chúng vẫn đang tiếp diễn giữa những tác động của môi trường sống. Người nuôi tôm hùm luôn tìm mọi cách để chúng tồn tại, phát triển lâu dài. Nhưng vùng biển Nam Trung bộ có giữ được danh hiệu “Vương quốc tôm hùm” một cách bền vững hay không, giờ vẫn chưa muộn để người nuôi tôm, các nhà khoa học, quản lý và nhiều yếu tố hậu thuẫn khác, cần phải cùng góp sức vào.