Ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thanh cho biết, những ngày qua, thương lái về tận nơi thu mua rươi dao động mức giá 450.000 đồng/kg. Theo ông Nhuận, rươi đầu mùa năm nay có giá bán kém hơn cùng kỳ năm trước có thể do sản lượng rươi ở nhiều nơi khác cũng tăng cao. Người dân vẫn đang hy vọng đợt thu hoạch tiếp theo vào chính vụ, rươi sẽ mập hơn, nhiều bột, chất lượng hơn và giá bán tốt hơn so với đầu mùa.
Xã An Thanh là vùng rươi có tiếng ở Tứ Kỳ. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ dân khai thác rươi với tổng diện tích ruộng rươi trên 100ha. Là một trong những hộ có kinh nghiệm và phương pháp khai thác rươi mang lại hiệu quả, anh Phạm Đức Đồng ở thôn An Định, cho biết năm nay thị trường rươi đầu mùa không được như mọi năm.
Gia đình anh Đồng hiện có 2,3 mẫu ruộng khai thác rươi. Theo anh Đồng, so với cùng kỳ năm trước, năng suất và sản lượng rươi năm nay dự kiến cao hơn. Có thời điểm anh thu được 1 tạ rươi/ngày, tùy ruộng. Tuy nhiên cũng có hiện tượng thương lái ép giá nên giá rươi thấp hơn năm trước. Giá bán cao nhất vừa qua cũng chỉ 480.000 đồng/kg, trong khi giá rươi đầu vụ năm 2017 trên 600.000 đồng/kg.
Nghề khai thác rươi có từ lâu đời ở đất Tứ Kỳ, đặc biệt là thôn An Định và An Lão ở xã An Thanh. Trước kia, việc khai thác rất thủ công. Cứ đến mùa rươi nổi, người dân nô nức mang rổ, rá đi vớt rươi. Tuy nhiên những năm gần đây người dân đã biết cải tiến cách khai thác. Ruộng khai thác rươi phải là ruộng cấy lúa 1 vụ và việc canh tác tuyệt đối không được sử dụng hóa chất.
Sau khi thu hoạch lúa, ruộng được rải rơm, cày tơi xốp và đào rãnh xung quanh để ruộng khô. Vào khoảng ngày 20 tháng 9 âm lịch, khi thủy triều từ sông Thái Bình chảy vào ngập ruộng là thời điểm rươi nổi lên và khi nước rút, rươi sẽ theo con nước chảy ra sông. Người dân đã thiết kế đường nước, làm cống để gạn rươi.
Mùa rươi bắt đầu từ khoảng ngày 20/9 âm lịch đến tháng 11 âm lịch hàng năm nên dân gian thường lưu truyền câu “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm”. Không riêng huyện Tứ Kỳ mà tại Hải Dương, nghề làm rươi có ở nhiều vùng tại huyện Kim Thành, Thanh Hà.
Chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang khai thác rươi đang là cách làm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà). Vĩnh Lập hiện có khoảng trên 30ha ruộng được người dân khai thác rươi với trên 60 hộ dân tham gia.
Nếu với giá bán khoảng 350.000 đồng/kg, người dân thu khoảng 7 triệu đồng/sào. Hộ có diện tích nhiều nhất là 6 mẫu. Những ngày qua, một số hộ đã có thu hoạch đợt rươi đầu mùa.
Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Lập, giá rươi bán tại ruộng dao động tùy thời điểm, nhìn chung không bằng năm trước, giá rươi thời điểm cao nhất khoảng 500.000 đồng/kg nhưng nếu việc thu hoạch diễn ra vào ban đêm thì giá bán có thể chỉ còn khoảng 350.000 đồng/kg.