Tại Tuyên Quang nhờ thực hiện tốt việc chọn điểm đầu tư và phát huy hiệu quả nguồn vốn nhiều địa phương đã thay da đổi thịt, người dân có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Trên tuyến đường bê tông nối thôn Pắc Gianh và thôn Nà Cóoc, huyện Na Hang vừa hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016, anh Nông Văn Mạch, thôn Nà Cóoc, xã Thanh Tương chia sẻ: "Trước đây để đi sang các thôn khác nếu vào mùa mưa rất vất vả bởi các con đường chủ yếu là cấp phối rất trơn. Nhiều hôm mưa lớn nước suối lên bà con bị cô lập, học sinh phải nghỉ học. Năm 2016, được nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu phao và đường bê tông nối hai thôn kiên cố, giờ bà con đi lại thuận tiện hơn rất nhiều".
Hệ thống giao thông xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang) được hoàn thiện tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Văn Tý/TTXVN |
Xã Thanh Tương chủ yếu là đồi núi, người dân lại sống không tập trung nên điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn. Hiện xã còn 7 thôn phải nhận hỗ trợ từ chương trình 135, trong đó có những thôn vẫn chưa được sử dụng nguồn điện quốc gia. Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương, huyện Na Hang khẳng định: "Một trong những cách làm mà xã Thanh Tương đã áp dụng là trước khi triển khai đầu tư các đầu điểm, xã họp dân và đại diện các thôn để thống nhất địa điểm, phương án đầu tư. Sau khi thống nhất phương án, công trình mới được triển khai xây dựng. Nhờ cánh làm đó mà hầu như công trình nào của xã cũng phát huy hiệu quả".
Côn Lôn - xã 135 đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, vai trò của nguồn vốn 135 đã thể hiện rất rõ. Bốn bề là núi, đất sản xuất ít, đời sống đồng bào khó khăn. Năm 2014, toàn xã vẫn còn 197 hộ nghèo trong tổng số 481 hộ, chiếm tỷ lệ 41%. Kết cấu hạ tầng nông thôn yếu, cơ sở vật chất trường lớp học còn thiếu, cơ sở vật chất văn hóa, công trình nước sạch chưa hoàn thiện.
Từ năm 2014 đến năm 2016, bằng nguồn vốn 135 xã Côn Lôn được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để phát triển nhưng khó khăn mới lại nảy sinh bởi nguồn vốn từ Chương trình 135 rất hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư của xã lại rất cao. Trước tình hình hình đó, chính quyền xã Côn Lôn đã mạnh dạn lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để nâng cao hiệu quả nguồn vốn 135.
Đến nay, hạ tầng cơ sở được hoàn thiện, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 22,34 triệu đồng/năm, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà vươn lên thành hộ khá. Cây cầu bê tông bắc qua suối Nậm Mường được hoàn thành trong niềm vui của nhân dân Thôn 2 là minh chứng cho cách làm của chính quyền xã Côn Lôn. Anh Nguyễn Văn Toại, thôn 2, xã Côn Lôn, huyện Na Hang vui vẻ: Khi chưa có cầu, việc đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì thôn đều bị chia cắt. Nếu muốn vào UBND xã hoặc đi sang các vùng khác thì phải đi đường vòng hoặc lội suốt, rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với các cháu nhỏ. Giờ có cầu 135, bà con đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Ông Hoàng Hùng Chảnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang khẳng định, nguồn vốn 135 là một trong những nguồn đầu tư quan trọng giúp đồng bào phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Để Chương trình 135 đạt hiệu quả cao nhất Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức họp bàn với nhân dân, xem xét sự cần thiết ở từng xã, thôn phù hợp với điều kiện thực tế các địa phương. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất huyện cũng cho triển khai đầu tư theo hướng hàng hóa chung của toàn tỉnh. Đặc biệt, huyện ưu tiên đầu tư những cây, con phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương.
Từ nguồn vốn Chương trình 135 mà hệ thống đường sá, điện, đường đã thay đổi bộ mặt nông thôn. Riêng năm 2016, huyện Na Hang được đầu tư 16 công trình với số vốn hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra từ nguồn vốn này huyện cũng được hỗ trợ cây giống, vật nuôi, đào tạo cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Hiện nay, nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn từ chương trình vẫn còn ít nên nhiều công trình rất cấp thiết nhưng vẫn chưa có kinh phí.