Làng nghề trồng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (làng hoa), quận Bình Thủy hình thành và phát triển ngót nghét 100 năm. Không quy mô và sầm uất như các làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) hay làng hoa Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) nhưng Làng nghề trồng hoa Phó Thọ - Bà Bộ cũng là nơi cung ứng hoa cảnh cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Hiện làng nghề còn khoảng 200 hộ trồng hoa, tập trung ở phường Long Hòa và Long Tuyền. Những ngày này, người trồng hoa đang tập trung chăm sóc các chậu hoa để cung ứng thị trường Tết. Vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự kiến làng hoa đưa ra thị trường trên 286.500 chậu hoa cảnh các loại.
Thời điểm này, hòa cùng với những người trồng hoa khác, ông Đoàn Hữu Bốn, phường Long Hòa vẫn đang cần mẫn chăm sóc những chậu hoa cúc mâm xôi tím, đỏ để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Với 40 năm trong nghề trồng hoa, ông Bốn cho biết, vụ hoa Tết năm nay ông trồng khoảng 2.000 chậu hoa các loại, giảm 50% so với vụ hoa Tết năm trước. Không chỉ giảm số lượng mà ông Bốn còn giảm cả chủng loại hoa. Thay vì trồng đa dạng các loại hoa phục vụ Tết như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cát tường, cúc nhám Nhật, hoa dừa cạn, hướng dương cao, hướng dương lùn... như những năm trước thì năm nay ông Bốn tập trung vào các giống hoa mới, lạ theo đơn đặt hàng của khách.
Các loại hoa khác giảm số lượng hoặc không trồng nhưng tăng số lượng giống hoa cúc mâm xôi Hàn Quốc nhiều màu với 700 chậu (tăng khoảng 500 chậu so với năm ngoái) vì đây là giống hoa mới, được khách ưa chuộng, dự kiến giá bán 600.000 đồng/cặp. Trước những dự đoán tình hình thị trường Tết có khả năng "ảm đạm", các nhà vườn không dám mạo hiểm trồng số lượng lớn mà lựa chọn giảm số lượng, giảm các chậu hoa kích cỡ lớn. Thay vào đó là trồng các chậu hoa kích cỡ nhỏ, những loại hoa có giá bình dân "ai cũng mua được - ông Bốn cho hay.
Theo bà Trần Thị Kim Nga, phường Long Hòa, thời điểm này, các năm trước, thương lái đã đi dạo, lựa chọn hoa ở các vườn để quyết định đặt cọc mua. Nhưng năm nay, hầu như nhà vườn nào cũng chưa có thương lái đến xem vườn hay đặt cọc. Vì kinh tế khó khăn, người trưng hoa Tết sẽ siết chi tiêu nên bà Kim Nga chỉ trồng khoảng trên 1.000 chậu hoa các loại và tập trung trồng hoa có giá bình dân như cát tường, vạn thọ, cúc nhám... và mỗi chậu chỉ từ 1 - 3 cây hoa. Mặc dù giá phân bón, chậu trồng hoa tăng nhưng tôi vẫn giữ giá bán như năm trước, dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/cặp tùy loại để ai cũng có thể mua về bày ngày Tết.
Những bông hoa khoe sắc rực rỡ là bao công sức của người trồng hoa gửi gắm. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các nhà vườn ở Làng nghề trồng hoa Phó Thọ - Bà Bộ đều dự đoán năm nay sức mua giảm. Năm hết, Tết đến, người trồng hoa ở làng hoa 100 năm đất Tây Đô chỉ mong hoa bán được giá, đắt hàng để những mùa hoa Tết vẫn nở ở làng nghề.
Đối với các hộ làm nghề bánh tráng tại Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, năm nay là năm làm ăn thuận lợi. Thời tiết nắng đẹp giúp phơi bánh tráng dễ dàng và lượng khách hàng cũng tăng hơn so với những năm trước.
Thuận Hưng hiện có khoảng 63 hộ làm nghề thường xuyên, nhưng đông vui nhất là thời điểm này đến cuối năm khi làng nghề sôi động sản xuất bánh tráng cho vụ Tết. Làng nghề Thuận Hưng chủ yếu tráng 3 loại bánh: bánh tráng lạt dùng cuốn thịt, cá; bánh tráng dừa, mè dùng để nướng và bánh tráng ngọt ăn liền.
Do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng nên giá sản phẩm bán ra thị trường cũng tăng hơn so với ngày thường từ 10.000 - 20.000 đồng cho 100 chiếc bánh. Mặc dù vậy, sản phẩm bánh tráng vẫn được thị trường tiêu thụ mạnh nên các lò tráng bánh đầu tư thêm máy móc để nâng cao công suất mới dám nhận thêm đơn hàng.
Là người sản xuất bánh tráng quanh năm, anh Trần Thanh Tâm cho biết, thời điểm này đã phải thức dậy từ 2 giờ sáng và thuê thêm thợ, nhân công làm bánh tráng mới có đủ bánh đáp ứng nhu cầu cho khách hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, gia đình cũng đặt thêm máy tráng bánh để kịp đơn hàng giao khách. Mặc dù, bán hàng ai cũng mong có đông khách nhưng anh Tâm chỉ nhận đơn hàng mối quen, khách mới không dám nhận vì sợ tráng bánh không kịp giao.
Với những lò tráng thủ công, mỗi ngày cho ra lò khoảng từ 1.500 đến 2.000 chiếc bánh. Trong khi đó, các lò có đầu tư máy tráng bánh thì năng suất cao gấp 10 lần. Nhờ lợi thế của máy móc thay sức người, các lò bánh mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng trong dịp Tết.
Gia đình bà Hà Thị Sáu đầu tư hai chiếc máy tráng bánh dừa, mè và bánh tráng ngọt. Mỗi ngày, lò bánh bà Sáu cung ứng ra thị trường trên 10.000 chiếc bánh. Mặc dù lượng khách đặt hàng và lượng bánh tráng bán ra tăng hơn cùng kỳ những năm trước nhưng theo bà Sáu lợi nhuận không cao. Năm nay, nguyên liệu đều tăng nên bà Sáu cũng tăng giá bán mỗi ký bánh tráng khoảng 1.000 đồng chứ không dám tăng nhiều vì nhận thấy đời sống kinh tế nhiều người gặp khó khăn. Chính vì thế nên lợi nhuận không cao.
Theo ông Trà Ngọc Sính, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng, bình quân mỗi năm làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cung ứng ra thị trường khoảng 120 triệu chiếc bánh tráng; trong đó dịp Tết, sản lượng bánh tráng sản xuất chiếm 50% cả năm. Riêng thời điểm Tết năm nay, lượng bánh tráng tăng khoảng 10% so với mọi năm.
Giá bánh hiện giờ dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/70 chiếc bánh nhúng (bánh lạt); bánh ngọt 140.000 đồng/100 chiếc, bánh đặc biệt 300.000 đồng/100 chiếc bánh; bánh dừa nướng, mè giá 350.000 đồng/100 chiếc bánh. Với người làm bánh tráng ở Thuận Hưng dù năm nay lãi không nhiều nhưng vẫn đông khác hàng thì đó đã là niềm vui để họ tiếp tục gắn bó với nghề. Nhờ đó mà bánh tráng Thuận Hưng 100 năm qua luôn có mặt trên thị trường.
Sau khi Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2023, bánh tráng Thuận Hưng được nhiều người biết đến. Cùng đó, hiện các lò bánh cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội nên thời gian gần đây, bánh tráng Thuận Hưng còn được khách hàng ở nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ... đặt mua. Điều đó tạo thêm sức sống cho Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng càng bền bỉ hơn và mỗi lúc đi càng đi xa hơn.
Dẫu giá cả mỗi lúc mỗi khác nên lợi nhuận có lúc ít lúc nhiều, thị trường có lúc nhộn nhịp, lúc trầm lắng nhưng với những người thợ, người làm nghề ở các làng nghề lâu năm nơi đất Tây Đô vẫn mong mỗi vụ Tết đều có thêm thu nhập để một năm đủ đầy, tươm tất. Đây cũng là động lực để họ gắn bó, duy trì và phát triển nghề truyền thống trăm năm.