Để tránh tình trạng các nhà máy và công xưởng vẫn rơi vào ngủ đông vì thiếu đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động đối mặt với nguy cơ mất việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài Vực dậy thị trường xuất khẩu nhằm chỉ ra những khó khăn từ bên trong, bên ngoài, từ đó có hướng đi thích hợp nhằm mở lối cho xuất khẩu những tháng tiếp theo.
Bài 1: Gỡ nút thắt
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng tới, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó, hướng tới kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu cũng như hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch năm 2023 mà Chính phủ đề ra.
Nhìn nhận lại thực trạng xuất khẩu từ đầu năm đến nay, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu nửa đầu năm 2023 giảm mạnh là do từ quý III/2022, lạm phát tăng cao, thậm chí đạt đỉnh lịch sử nhiều năm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU...
Hơn nữa, giá cả hàng hóa tăng cao dưới ảnh hưởng của lạm phát trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, điều này tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2023, dù đã thực hiện các biện pháp ứng phó với lạm phát nhưng vẫn ở mức cao và nền kinh tế của các quốc gia tiếp tục đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế.
Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nhiều ngân hàng lớn lâm vào bối cảnh khó khăn dẫn tới các phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn của Ngân hàng Trung ương các nước theo hướng thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của nền kinh tế, vốn đã gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022.
Cùng đó, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, vốn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam.
Tương tự, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng bổ sung nguồn hàng lớn, tạo nên sức ép cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa tăng trưởng mạnh như kỳ vọng. Nguyên do bởi quốc gia này chưa “phục hồi" hoàn toàn sau thời gian dài thực thi chính sách Zero COVID và nhu cầu còn thấp.
Xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao tạo chi phí đẩy giá mặt hàng xuất khẩu.
“Có thể thấy doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn; trong đó, việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất”, ông Trần Duy Đông chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản đều sụt giảm rất mạnh; chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm do cạnh tranh lớn ở các nước xuất khẩu.
Ngoài ra, một số ngành hàng chủ lực như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước xuất khẩu.
Mặt khác, nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên trong bối cảnh đơn hàng dệt may, da giày sụt giảm khách hàng ưu tiên đặt hàng từ nước sản xuất đã đầu từ phát triển sản xuất xanh và bền vững.
Đi liền đó, dù đã có nhiều cải thiện nhưng chất lượng sản phẩm Việt Nam, nhất là nông sản còn thiếu ổn định, chưa đồng đều, doanh nghiệp chậm đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch.
Nếu các năm trước, đây là cao điểm làm hàng mùa đông nhưng hiện tại doanh nghiệp dệt may và da giày ở nhiều địa phương chỉ sản xuất cầm chừng. Nhiều xưởng đã đóng cửa, những xưởng còn lại chỉ cho công nhân làm 8 tiếng. Dù thu nhập chỉ còn 2/3 so với trước nhưng điều này vẫn được coi là may mắn với nhiều người.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý II/2023, ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine đẩy giá dầu, giá lương thực lên cao, khiến lạm phát tại Mỹ, EU dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng đó, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng.
Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 -CTCP cho hay, May 10 đang gặp phải những khó khăn nhất định như thiếu hụt đơn hàng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Vì vậy, May 10 chỉ duy trì sản xuất ở mức nhỏ lẻ.
“Những năm trước đây, May 10 có đơn hàng trước 9 tháng thậm chí là cả năm nhưng hiện tại doanh nghiệp cũng phải “ăn đong”, làm những đơn hàng dễ, giá thấp để duy trì hoạt động sản xuất”, ông Thân Đức Việt bày tỏ.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam chia sẻ, nhu cầu thị trường giảm mạnh khiến doanh nghiệp ngành nhôm đang hoạt động ở mức 30 – 40% công suất để trả những đơn hàng ít ỏi và duy trì việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp đã cố gắng hết sức nhưng vẫn có khoảng 40.000 người lao động trong ngành nhôm bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, trăn trở của doanh nghiệp hiện nay chính là việc gồng lên lo việc làm cho người lao động.
Ước tính, mỗi nhà máy có từ vài nghìn đến vài trăm nghìn lao động, nếu sa thải khi có đơn hàng, doanh nghiệp sẽ không có người làm. Thế nhưng, nếu tiếp tục giữ lại thì nguồn lực hạn chế, không có sức để chi trả khoản lương và chi phí khác.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, trong quý II/2023, Chính phủ đã có nhiều động thái để khơi thông xuất khẩu, tăng cường làm việc với các quốc gia có ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm hỗ trợ tháo gỡ rào cản kỹ thuật, tạo thông thoáng luồng lưu thông hàng hóa.
Tuy vậy, “cơn bão” thiếu đơn hàng vẫn còn đòi hỏi bản thân doanh nghiệp và khâu chính sách tiếp tục nhìn nhận lại nhu cầu của thị trường nhập khẩu về hàng hóa Việt Nam để có lối đi bền vững.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA và nhất là phải đa dạng hóa thêm các thị trường mới.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhìn vào những áp lực của ngành tôm Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh cũng là để doanh nghiệp ở các lĩnh vực xuất khẩu khác cần soi lại mặt hạn chế và tìm ra chìa khóa cải thiện đơn hàng trong nửa cuối năm 2023.
Chẳng hạn như với dệt may, trong 2 quý đầu năm 2023, Việt Nam đã đánh mất vị trí và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may vào tay Bangladesh. Điều này một phần do chậm trễ chuyển đổi xanh.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu vốn đang tăng trưởng chậm có thể được cải thiện trong thời gian tới nếu như doanh nghiệp chú trọng vào “sản xuất xanh” và phát triển “thương hiệu xanh”, qua đó sẽ kéo được đơn hàng nhiều hơn.
Đơn cử như Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất nhựa tái chế với năng lực sản xuất lên đến 30.000 tấn/năm tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam thành công mô hình áp dụng công nghệ tái chế “Bottle to Bottle” – mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp Dệt May Việt Nam (Vitas) chỉ rõ, thời gian tới, ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với áp lực và đòi hỏi từ các nước nhập khẩu, nhất là tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế.
Bởi vậy, xuất khẩu dệt may cần nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh và năng lượng xanh.
Đây là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán và rút ngắn thời gian giao hàng. Qua đó, tạo động lực cạnh tranh chính của ngành dệt may Việt Nam so với đối thủ.
Để vượt qua các khó khăn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Bộ Công Thương sẽ chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để tham mưu, đề xuất đối sách và đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi.
Đặc biệt, Bộ tập trung giải quyết vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng. Phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về thị trường và quy định, chính sách mới của nước sở tại.
Đồng thời, cảnh báo sớm về rào cản mới của đối tác và vụ việc phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp; khai thác hiệu quả các FTA mà Việt Nam làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới nổi, thị trường ngách, tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Mặt khác, Bộ còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bộ trưởng cũng lưu ý Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường; cập nhật quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất phản ứng chính sách nhanh nhạy. Đồng thời, giúp hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Hơn nữa, Bộ thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành liên quan và địa phương, hiệp hội ngành hàng để kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, nhất là hỗ trợ xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng ngành, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước năm 2023.
Bài 2: Định vị, linh hoạt