Vụ tôm thắng lợi nhưng kèm nhiều nỗi lo

Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng thắng lợi cả về diện tích lẫn sản lượng nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, ngành chức năng và cả người nuôi tôm vẫn canh cánh nỗi lo những vụ tôm sắp tới.

Chú thích ảnh
Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng thắng lợi cả về diện tích lẫn sản lượng nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, năm 2019, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 57.500 ha; trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 38.000 ha, tôm sú khoảng 19.000 ha; uớc sản lượng đạt hơn 150.000 tấn - vượt trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất bình quân cũng ở mức cao với tôm thẻ chân trắng đạt 4,4 tấn/ha; tôm sú 1,5 tấn/ha (thâm canh 4 tấn/ha, bán thâm canh 2,2 tấn/ha và quảng canh cải tiến 0,7 tấn/ha)...

Để có vụ tôm thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã quản lý nuôi tôm nước lợ bằng khung lịch mùa vụ và được các tổ chức cũng như người nuôi đánh giá cao; đưa ra khuyến cáo phù hợp với diễn biến thực tế từng địa phương. Đa số người nuôi đã tuân thủ theo khuyến cáo của ngành, đặc biệt là dần thực hành sản xuất có trách nhiệm, thực hiện tốt an toàn thực phẩm tại cơ sở nuôi.

Tuy nhiên, trong niên vụ qua, diện tích tôm thả nuôi trên địa bàn tỉnh cũng thiệt hại hơn 5.000 ha, chiếm 8,8% so với diện tích thả nuôi. Nguyên nhân là do yếu tố môi trường bị biến động gây sốc; tôm bị bệnh hoại tử gan tuỵ cấp, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng.

Trước thực tế này, ngành chức năng cho rằng, nghề nuôi tôm hiện vẫn rủi ro cao trước những bất lợi về thời tiết, bệnh dịch diễn biến phức tạp... khiến người nuôi vẫn canh cánh nỗi lo mỗi vụ.

Cùng đó, nguồn vốn cũng là vấn đề khó khăn mà đa số người nuôi tôm gặp phải và cả việc lựa chọn vật tư đầu vào. Năm 2019, giá tôm thương phẩm luôn ở mức thấp, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất và lợi nhuận kinh tế. Vụ nuôi tôm nước lợ 2019 vẫn chưa phát huy được liên kết thu mua với các tổ hợp tác, hợp tác xã và trang trại, cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang chủ động thực hiện các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ từ khâu tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quan trắc môi trường nước, phòng chống dịch bệnh, thanh kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống và tổ hợp tác, hợp tác xã... cho đến việc xây dựng chuỗi liên kết. Mục tiêu đặt ra là phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi.

Niên vụ tôm năm 2020, Sóc Trăng cũng đặt chỉ tiêu thả nuôi tôm nước lợ hơn 50.000 ha với sản lượng ước đạt 167.000 tấn. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người nuôi thả nuôi tôm theo đúng khung lịch mùa vụ; thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phòng chống thiệt hại trên tôm nuôi và chăm sóc tốt diện tích còn tôm trên đồng. 

Tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật, thử nghiệm và chuyển giao, giới thiệu cho người nuôi những kỹ thuật, mô hình nuôi tiến bộ, hiệu quả; hướng dẫn người nuôi về các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh...

Sóc Trăng tập trung phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao và xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế địa phương để những vụ tôm sắp tới luôn mang lại niềm vui chung.

Chanh Đa (TTXVN)
Lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi xen canh tôm và cá chẽm
Lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi xen canh tôm và cá chẽm

Dù đã nhiều lần thất bại, nhiều lần cạn kiệt vốn liếng với nghề nuôi tôm nhưng ông Lê Trọng Nghĩa, 48 tuổi, ở ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn kiên trì theo đuổi đến cùng nghề nuôi tôm và thành quả cuối cùng cũng đã đến với người đàn ông giàu ý chí này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN