Vụ lúa Đông Xuân tại Tiền Giang trúng mùa, bội thu

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, nông dân Tiền Giang xuống giống trên 48.000 ha, đạt 101,32% kế hoạch.

Hiện nay, bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 7.000 ha, năng suất từ 68 tạ đến 70 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 48.000 tấn lúa.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam.

Trà lúa còn lại đang bắt đầu chín rộ và địa phương đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn vụ Đông Xuân trong những ngày tới. Trong vụ này, nông dân Tiền Giang phấn khởi bởi trúng mùa, trúng giá, việc tiêu thụ lúa hàng hóa đẩu vụ khá thuận lợi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, so với vụ Đông Xuân năm trước, giá lúa đầu vụ tăng hơn từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, tùy giống. Nông dân có được doanh thu tốt, bình quân đạt 30 triệu đồng/ha.

Huyện ven biển Gò Công Đông là một trong những vùng trồng lúa chất lượng cao nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang với các giống ST 24, ST 25, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9...được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Vụ Đông Xuân, bà con xuống giống trên 8.900 ha. Đến đầu tháng 3/2023 đã thu hoạch được gần 3.000 ha, năng suất bình quân trên 68 tạ/ ha.

Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, giá các giống lúa chủ lực của địa phương trong những ngày qua đều tăng khá so với vụ Đông Xuân năm trước. Điển hình như: lúa các giống ST 24, ST 25 thương lái thu mua từ 7.200 đến 7.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 thương lái thu mua từ 7.100 đ đến 7.200 đồng/kg; lúa giống OM 5451 giá 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 7.000 đồng/kg…

Trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, các huyện, thị vùng kiềm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy... đã xuống giống trên 26.600 ha, đạt 101,2% so kế hoạch. Đến nay, nông dân địa phương đã  thu hoạch trên 3.300 ha, năng suất bình quân đạt 72 tạ/ha và sản lượng gần 24.000 tấn.

Trà lúa còn lại chủ yếu ở giai đoạn chín và trổ, một ít làm đòng.  Dự kiến trong quý I/2023 sẽ thu hoạch dứt điểm. Giá lúa hàng hóa đầu vụ thương lái thu mua ở mức bình quân 6.800 đ đến 7.000 đ/ kg.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) cho biết, nhiều năm nay, Hợp tác xã liên kết với Công ty ADC sản xuất lúa đạt tiêu chí GlobalGAP theo mô hình cánh đồng lớn. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật đầu vào và bao tiêu nông sản hàng hóa. 

Vụ Đông Xuân 2022 – 2023, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành trồng 100 ha lúa, giống Đài Thơm 8 theo quy trình GlobalGAP, được Công ty ADC bao tiêu giá 7.700 đồng/kg, cao hơn bên ngoài 700 đồng/kg. Với năng suất bình quân 70 tạ/ha, mỗi ha đất canh tác trong vụ Đông Xuân nông dân đạt tổng thu gần 54 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 30 triệu đến 35 triệu đồng.

Nông dân Phan Văn Bảnh, thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam phấn khởi cho biết, với mô hình liên kết doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn như trên, nông dân được chuyển giao kỹ thuật thâm canh, giải quyết đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa nên rất an tâm đẩy mạnh sản xuất. Vụ này, ông canh tác 5.000 m2 lúa Đài Thơm 8, bán trừ chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng.

Trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, mô hình liên kết trong sản xuất – tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam được nhiều địa phương quan tâm chia sẻ, áp dụng nhằm phát triền bền vững ngành trồng lúa trong giai đoạn mới.

Đi đầu có huyện Gò Công Tây. Theo đó, nông dân tham gia xây dựng 11 cánh đồng lớn trên tồng diện tích trên 3.000 ha với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vinh Hiển, Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành, Doanh nghiệp tư nhân Bá Tước… tham gia. Phương thức chủ yếu là đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật – thu mua lúa; đầu vụ hợp đồng tiêu thụ lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân.

Chi phí sản xuất trong mô hình giảm từ 2 đến 2,6 triệu đồng/ha, giá bán cao hơn thị trường từ 100 đồng đến 200 đồng/kg, nông dân lợi nhuận tăng thêm 2,4 đến 2,6 triệu đồng/ha, nông dân rất phấn khởi.

Tương lai, mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn được tỉnh Tiền Giang nhân rộng giúp tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao, ổn định đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và nông dân hưởng lợi.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Cần Thơ: Được mùa, trúng giá vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023
Cần Thơ: Được mùa, trúng giá vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023

Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 ở Cần Thơ xuống giống được 75.028 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN