Nhiều bác nông dân phấn khởi bày tỏ, ngân hàng cho vay vốn ưu đãi đến tận xã như này, dân nghèo an tâm, cố gắng tăng gia sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Nông dân Giao Thủy thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Trước sân UBND xã Giao Long, ông Nguyễn Ngọc Khảm ở xóm 1 phấn khởi kể:
“Ở nông thôn, gia đình không có điều kiện nên cuộc sống khó khăn, nhưng
nhờ vay vốn ưu đãi, gia đình tôi và nhiều gia đình khác trên trong xã có
điều kiện để tăng gia sản xuất nên đời sống giờ khác lắm”.
Sau
quá trình tìm hiểu nghề nuôi cá nước ngọt, ông Khảm được tiếp cận nguồn
vốn qua chương trình cho vay giải quyết việc làm 20 triệu đồng vào năm
2008, rồi đến 100 triệu đồng năm 2013 đầu tư nuôi cá vược, cá bống tượng.
Từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay lần 2 năm 2013 cùng với số tiền tích
lũy sau những vụ nuôi cá bội thu, ông Khảm đã đầu tư chuyển đổi sản
xuất, mở rộng trang trại với 2 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ
đó, trang trại nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình
ông trên 500 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu
nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Đoàn Văn Chánh ở
xóm 16, xã Giao Long, chia sẻ: “Nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ
nguồn vốn ưu đãi mà chỉ có sự cố gắng, cần cù lao động của bản thân thì
gia đình tôi khó có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay. Ngân hàng
thực sự là vị “cứu tinh” với nông dân nghèo chúng tôi”.
Nhận xét
về hiệu quả nguồn vốn chính sách, ông Trần Xuân Phòng, Chủ tịch Hội
Nông dân xã Giao Long cho hay, dư nợ các chương trình tín dụng chính
sách trên địa bàn xã hiện đạt 19,2 tỷ đồng. Tổng số hộ còn dư nợ là 740
hộ; trong đó số hộ vay vốn để sử dụng vào mục đích đóng tàu thuyền, mua
ngư lưới cụ khai thác và nuôi trồng hải sản chiếm 60% tổng số hộ dư nợ.
Với sự cần cù, chịu khó của con người nơi đây, bức tranh kinh tế dần được thay thế bằng nhiều gam màu tươi sáng. Sở dĩ kinh tế có sự phát triển vượt bậc là do những năm qua huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương. Cùng chung tay góp sức trong chính sách này có sự góp sức không nhỏ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, cụ thể là Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Giao Thủy.
Là cán bộ tín dụng chính sách phụ trách địa bàn tại xã Giao Long, chị Trịnh Thị Vân tâm sự: “Tôi về công tác tại địa bàn xã đã được gần 4 năm. Những ngày đầu mới về đây, quanh xã còn nhiều đầm hoang, hiu hắt, nhưng nay cuộc sống người dân đi lên. Nhiều ngôi nhà 2 - 3 tầng mọc lên san sát, đường bê tông trải dài đến tận sân. Phong trào vay vốn ngân hàng chăn nuôi, làm kinh tế ngày càng phát triển mạnh. Đặc biệt là các hộ dân đều biết căn cơ, tính toán việc vay vốn vừa phải, phù hợp nên đồng vốn quý đã luôn phát huy hiệu quả”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Nam Định cho biết, kinh tế tại địa phương chủ yếu vẫn xoay quanh các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành với người nghèo trên mặt trận giảm nghèo nên ngân hàng xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình nông thôn. 9 tháng năm 2016 đã có gần 30.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 2.730 hộ thoát nghèo, trên 1.700 hộ thoát cận nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 1.050 lao động; giúp 5.900 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 23.216 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, 39 căn nhà cho hộ nghèo...
Tín dụng chính sách thực sự đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đạt được kết quả trên có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Hiện Ngân hàng chính sách Xã hội Nam Định có là 218 điểm xã, phường, thị trấn. Tại các điểm giao dịch, việc công khai các chương trình tín dụng ưu đãi, các chủ trương chính sách mới, bảng, biển hiệu, niêm yết dư nợ, dư tiết kiệm được thực hiện nghiêm túc. Tại buổi giao dịch, Hội đoàn thể cấp xã làm công tác giám sát, hướng dẫn tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, hộ vay vốn hoàn thiện các thủ tục trước khi vào giao dịch với ngân hàng giúp cho việc giao dịch với khách hàng của ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng, các Hội đoàn thể nắm bắt tốt hơn hoạt động của các Tổ thuộc quản lý của Hội mình, người dân hiểu rõ ý nghĩa của đồng vốn nên sử dụng đều tính toán sao cho an toàn nhất.
Tuy nhiên, qua thực tế tại địa phương, ghi nhận ý kiến của cả ngân hàng và người vay vốn, nhu cầu cho vay để mở rộng việc làm, duy trì và hỗ trợ tạo việc làm hiện nay rất lớn song nguồn vốn ít (chỉ chiếm 3% tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách) chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng hoạt động kinh tế nông thôn của nhiều hộ gia đình, việc bổ sung hàng năm rất hạn chế.
Việc cho vay của một số kênh quản lý chưa thông thoáng nên khó khăn cho việc giải ngân, nguồn vốn để đọng thời gian dài trong khi nhu cầu của người dân rất cấp bách. Nguyện vọng tha thiết của bà con nông dân là Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách cho vay vốn để khắc phục những điểm bất cập nêu trên.