Ngày 26/6, tại Brussels (Brúcxen-Bỉ), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông báo khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.
Thông báo trên được đưa ra tại một cuộc họp báo với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Uỷ viên Thương mại Liên minh châu Âu Karel De Gutch.
Phát biểu trước khi bước vào hội đàm, ông De Gucht đã nêu lý do cho thấy đây là một dấu mốc quan trọng đối với quan hệ của châu Âu với Việt Nam và với cả khu vực ASEAN. Ông De Gucht nói: “Hôm nay chúng tôi rất vui mừng tuyên bố khởi động các cuộc thương lượng để tiến tới một Hiệp định Thương mại tự do. Hôm nay Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 3 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tìm kiếm một FTA với EU - sau Singapore (Xinhgapo) và Malaysia (Malaixia). Điều này bản thân nó đã là một thành công có ý nghĩa”.
EU có nhu cầu nhập khẩu nhiều hàng dệt may của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Theo ông, đây cũng là một bước tiến quan trọng trên con đường tiến tới thiết lập một mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn như đã được đề cập đến trong Thỏa thuận Chính trị và Hợp tác. Ông còn cho biết vòng đàm phán đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Hè năm nay.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh FTA sẽ là một Hiệp định thương mại tự do toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đem lại lợi ích cho cả hai bên. Hiệp định sẽ bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm. Trong quá trình đàm phán và thực hiện Hiệp định, hai bên cũng sẽ cân nhắc tới sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU. Cơ cấu kinh tế Việt Nam và cơ cấu kinh tế EU có tính bổ sung lẫn nhau mạnh mẽ. Nhu cầu nhập khẩu của EU từ Việt Nam phần lớn là giày da, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản - những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh và đã tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng EU. Trong khi đó, Việt Nam cần nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, phân bón từ EU. Do đó, các thỏa thuận hợp tác kinh tế, đặc biệt là một Hiệp định FTA trong tương lai, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định đối với Việt Nam, tăng cường các mối quan hệ với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu, phù hợp với định hướng đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam coi FTA với EU là một nội dung quan trọng trong chính sách thương mại và luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy FTA với EU. Việc đàm phán FTA song phương sẽ là một bước đi thiết thực nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU cũng như giữa ASEAN và EU. Ông nói rõ: “ Với tiềm năng, mong muốn và thiện chí từ cả hai phía, chúng tôi tin tưởng rằng quá trình đàm phán sẽ diễn ra thuận lợi để Hiệp định sớm được thực hiện, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên”.
Ông De Gucht cũng bày tỏ tin tưởng hai bên có nhiều cơ hội để thành công và hoàn tất việc ký kết một FTA nhiều tham vọng giữa EU và Việt Nam trong thời gian nhanh nhất có thể. Về phương diện kinh tế, một FTA song phương với EU nhiều khả năng sẽ đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho cả EU và Việt Nam. Ngoài ra, EU vẫn theo đuổi mục tiêu đạt được một FTA song phương với cả khối ASEAN.
Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể. EU là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam trong năm 2011 với cam kết 1,77 tỷ USD, tương đương trên 12% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Thái Vân - Đăng Khoa (PV TTXVN tại Brussels)