Vinalines phát triển dịch vụ chuỗi để ‘bơi ra biển lớn’

Năm 2018, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines – Bộ GTVT) sẽ tập trung phát triển dịch vụ chuỗi liên kết, khẳng định thương hiệu trong cung cấp gói giải pháp logistics toàn diện và hoàn thiện phương án cổ phần hóa (CPH) trước ngày 30/6/2018, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị phần vận tải biển quốc tế.

Hoàn thành CPH trước ngày 30/6/2018

Quyền Tổng giám đốc Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: Năm 2017, lợi nhuận của Vinalines tăng gấp 2 lần so với năm 2016, với hơn 500 tỷ đồng. Tổng doanh thu tăng trưởng 12,3%, trong đó, khối cảng biển và dịch vụ hàng hải tăng trưởng 12,1%, khối vận tải biển tăng 19,6%.

Triển khai tái cơ cấu tài chính cho các doanh nghiệp vận tải biển, bước sang năm 2018, dư nợ Vinalines - công ty mẹ chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 23% trước khi tái cơ cấu. Mức lỗ của đội tàu đã giảm gần 53,2% so với năm 2016 và gần 50% so với kế hoạch của khối vận tải biển. Thực tế này cho thấy các doanh nghiệp vận tải biển đã quyết liệt trong thực hiện các giải pháp tái cơ cấu như xử lý tàu già, thua lỗ, cơ cấu tài chính với ngân hàng để giảm nặng lãi vay, trả nợ và xác định mục tiêu hợp tác với các doanh nghiệp cảng biển, logistics để tạo thành chuỗi dịch vụ.

Vận tải biển - cảng biển - logistics vẫn là thế mạnh chủ chốt của Vinalines. Ảnh: TTXVN

“Vận tải biển nước ta đang bị các hãng tàu nước ngoài thao túng do làm giá, hàng hóa kém sức cạnh tranh, không mang về lợi nhuận. Hiện, chi phí vận tải chiếm một thị phần rất lớn trong GDP, vì vậy, Vinalines nên hình thành một số mô hình để từ đó thành đội tàu ổn định và nhân rộng. Vinalines hoàn toàn có thể trở thành tập đoàn lớn nếu thu hút được 40 - 50% thị phần vận tải xuất nhập khẩu của Việt Nam,” Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định.

Theo ông Tĩnh, tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phương án CPH Vinalines theo hướng kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Mới đây, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp là trên 18.000 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 13.916 tỷ đồng, dự kiến sau CPH sẽ phát hành tương đương 1,391 tỷ cổ phần. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ; 0,13% vốn điều lệ bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên; 30% vốn điều lệ để bán cho nhà đầu tư chiến lược và 4,84% vốn điều lệ sẽ thực hiện bán đấu giá công khai.

“Vinalines đã bước ra khỏi thời kỳ khó khăn nhất trong 5 năm qua và bước vào giai đoạn mang tính lịch sử khi tiến hành đề án CPH. Đây là kết quả từ sự nỗ lực giảm lỗ tối đa của khối vận tải biển, từng bước đảo chiều lỗ sang lãi. Với nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 là CPH, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước ngày 30/6, mô hình mới thực hiện của Vinalines sẽ theo chuỗi: Vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải”, ông Tĩnh cho hay.

Liên kết chuỗi cung cấp dịch vụ trọn gói


Đón đầu nhiệm vụ năm 2018, cuối năm 2017, tuyến vận tải container đi Hồng Kông - dịch vụ liên kết giữa Công ty Vận tải biển Container Vinalines và Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, hai đơn vị thành viên của Vinalines đã chính thức được khai trương. Theo đó, các tàu container của liên doanh này sẽ thực hiện vận chuyển khép kín 14 ngày, với khối lượng khoảng 1.800 Teus/chuyến (1Teu tương đương 1 container 39 tấn): Tp Hồ Chí Minh – Hải Phòng – Hồng Kông – Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh. Đây là dịch vụ mới theo mô hình “liên minh các hãng tàu trên thế giới”, nhằm duy trì lịch tàu thường xuyên tại các cảng biển.

Bên cạnh đó, tại các nước Malaysia, Thái Lan, Philippin… các công ty vận tải biển của Vinalines đã ký hợp đồng khung với các tập đoàn vận tải biển quốc tế để vận chuyển phân bón, hàng hóa trọn gói, với sản lượng dự kiến tăng dần từ 1 - 2 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thành viên Vinalines cũng đã lên kế hoạch mở thêm dịch vụ vận tải thủy bằng sà lan các tuyến Hải Phòng – Việt Trì, với tần suất 2 – 3 chuyến/tuần từ cảng Hải Linh về Hải Phòng; tại đồng bằng sông Cửu Long vận chuyển sà lan 2 chiều từ các cảng Cái Cui, Hoàng Diệu, Trà Nóc, trung chuyển quả các cảng Tân Thuận, Cát Lái, Bến Nghé, Dầu Thực vật, để đi miền Trung… Dự kiến, hàng hóa lưu chuyển qua các cảng này bằng sà lan đạt khoảng 15.000 Teus/năm…

“Việc khơi thông dòng chảy vận tải biển và thủy nội địa hiện nay là một phần trong dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển – vận tải biển – dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mà Vinalines đang và sẽ triển khai thực hiện mạnh mẽ trong năm 2018, góp phần giảm tải đáng kể áp lực lên hệ thống đường bộ theo chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Tĩnh cho biết.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức
Vinalines hợp tác với Nhật Bản nâng cao chất lượng vận tải biển
Vinalines hợp tác với Nhật Bản nâng cao chất lượng vận tải biển

Ngày 16/12, tại Hải Phòng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phối hợp với Công ty cổ phần O's&Tec (Nhật Bản) triển khai dự án vận hành kho lạnh Hyokan Soko để vận chuyển hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả tươi sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN