Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại cuộc gặp với Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Flanders Jan Jambon, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm qua, cũng như quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh ngành giao thông vận tải Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đưa vào sử dụng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km vào năm 2030. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tập trung nguồn lực xây dựng mới Sân bay quốc tế Long Thành với tổng công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và nâng cấp các sân bay hiện có.
Đối với lĩnh vực hàng hải, trong đó có cảng biển, tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam với mong muốn áp dụng công nghệ vận hành cảng tiên tiến, sử dụng nhiên liệu xanh đối với các cảng biển nước sâu lớn, trung chuyển như cảng Lạch Huyện và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nghiên cứu dự án xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài khoảng 1.500 km, đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp của Bỉ tham gia tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án trọng điểm này của Việt Nam.
Liên quan đến hợp tác Việt Nam và vùng Flanders, trên cơ sở Hiệp định Hợp tác hữu nghị giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Vùng Flanders ký ngày 23/5/1995, hai bên thực hiện hợp tác trên các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển; đào tạo nguồn nhân lực; an ninh cảng biển; thực thi công ước quốc tế về hàng hải; và ứng dụng khoa học công nghệ. Tháng 11/2023, hai bên đã tiếp tục ký Ý định thư cho giai đoạn tiếp theo trong chuyến thăm của ông Filip Boelaert, Tổng thư ký Bộ trưởng Giao thông công chính Vùng Flanders, tới Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ với Thủ hiến Jan Jambon mục tiêu phát triển hướng tới “tinh tế xanh” thông qua chuyển đổi sử dụng năng lượng “xanh, sạch” đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trên nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó có ngành giao thông vận tải đang có lượng phát thải chiếm hơn 25% lượng phát thải của quốc gia. Như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cam kết sẽ trở thành quốc gia phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất hai bên Việt Nam và Bỉ tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Ý định thư đã ký kết. Phía Bỉ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn về xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng hàng hải; khai thác cảng biển, kết nối giữa cảng biển và cảng nội địa, kết nối cảng biển Flanders với cảng nước sâu của Việt Nam; chuyển đổi số và phát triển cảng xanh. Khuyến khích các doanh nghiệp của hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực logistics, phát triển khai thác cảng biển, thuỷ nội địa, các dự án về giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ giao thông vận tải; các dự án giao thông vận tải góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Hoan nghênh chuyến thăm và làm việc tại Bỉ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và đoàn công tác, Thủ hiến Jan Jambon đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong thời gian qua. Ông Jan Jambon cũng nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp của ông và Phái đoàn kinh tế vùng Flanders trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2023. Thủ hiến Jan Jambon khẳng định vùng Flanders luôn coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên tại khu vực và sẽ thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả, thực chất với Việt Nam trên các lĩnh vực thế mạnh của Flanders, đặc biệt về giao thông vận tải, hậu cần cảng biển, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số…
Tại buổi làm việc với ông Filip Boelaert, Tổng Thư ký Bộ Giao thông Công chính vùng Flanders, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá rất cao việc Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Vùng Flanders đã ký Hiệp định Hợp tác hữu nghị năm 1995, mở ra chương mới hợp tác chặt chẽ giữa hai bên trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trên cơ sở Ý định thư giai đoạn 2024 - 2028 mà ông Filip Boelaert và Cục trưởng Hàng hải Việt Nam đã cùng ký vào tháng 11/2023 vừa qua, các cơ quan liên quan của hai bên đang tích cực phối hợp triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Ý định thư này. Việc hai bên ký các Ý định thư theo định kỳ hợp tác cho thấy Việt Nam và vùng Flanders đều coi nhau là những đối tác hợp tác ưu tiên, quan trọng. Tính đến nay đã có 11 Ý định thư được hai bên ký kết và triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao các hỗ trợ của phía Bỉ nói chung và của Chính phủ vùng Flanders nói riêng về đào tạo các cán bộ của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam trong các lĩnh vực kết nối vận tải thủy, công nghệ nạo vét, hậu cần cảng, quản lý logistics… Đồng thời đề nghị Chính phủ vùng Flanders tiếp tục xem xét, cấp các chương trình tài trợ học bổng ngắn và dài hạn chuyên ngành hàng hải và đường thủy tại Bỉ. Hai bên phối hợp, triển khai các diễn đàn doanh nghiệp nhằm tăng cường hiểu biết và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là ngành hàng hải và đường thủy.
Về phần mình, Tổng Thư ký Bộ Giao thông Công chính vùng Flanders, Filip Boelaert đánh giá cao hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giao thông vận tải và khẳng định với kiến thức chuyên môn cũng như bề dày kinh nghiệm, phía Bỉ sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam trong phát triển đường thủy, đường bộ, logistics, xanh hóa vận tải… Đại diện Bộ Giao thông Công chính vùng Flanders cũng giới thiệu với phía Việt Nam chương trình thúc đẩy vận tải đa phương thức, đầu tư, phát triển hệ thống giao thông đường thủy, quy hoạch phát triển cảng biển tuân thủ tiêu chí "xanh" và bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Bỉ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và đoàn công tác đã tới thăm Trung tâm LogiVille ở thành phố Louvain để trao đổi về công nghệ, giải pháp cho ngành logistics và một số doanh nghiệp để tìm hiểu về kinh nghiệm của Bỉ trong phát triển giao thông thông minh. Đoàn đã thăm và làm việc với Chính quyền cảng Antwerp để tìm hiểu về kinh nghiệm quản lý và khai thác cảng cũng như tiềm năng ứng dụng nhiên liệu hydrogen trong chuyển đổi xanh của ngành giao thông vận tải.
Đoàn đã làm việc với công ty Deme là nhà thầu quốc tế lớn nhất của Bỉ và lớn thứ tư trên thế giới chuyên về lĩnh vực nạo vét, năng lượng ngoài khơi và cơ sở hạ tầng hàng hải. Deme đã bắt đầu triển khai dự án đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1925 với dự án nạo vét sông Sài Gòn. Công ty quay trở lại Việt Nam vào năm 1995 và bắt đầu triển khai nhiều dự án khác nhau về nạo vét luồng hàng hải; dự án về đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn hay dự án điện gió ngoài khơi ở tỉnh Bình Thuận.
Việt Nam và Bỉ đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ ngày 22/3/1973. Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Hiện Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch thương mại hai chiều hơn 4,7 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước châu Á nhận được hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ. Tới năm 2023, Bỉ đã hỗ trợ 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, xử lý rác thải, tăng cường thể chế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, góp phần hỗ trợ Việt Nam vững bước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.