Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị cùng sự tham gia của đại diện của gần 250 đại biểu đến từ Nhật Bản và Việt Nam, bao gồm đại diện các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp của hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tham dự hội nghị còn có bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước; ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế; ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục hải quan; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, các ngân hàng và doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Về phía Nhật Bản, có đại diện Bộ Tài Chính Nhật Bản; Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Tập đoàn Sở Giao dịch chứng khoán Nhật Bản (JPX)… Hội nghị cũng có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ tin tưởng, sự kiện này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước giao lưu, kết nối, góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư tài chính, hợp tác thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong những năm gần đây, mặc dù chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, cũng là điểm sáng trong đầu tư, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu. Năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định. Cụ thể, GDP của Việt Nam tăng 5,05% và phấn đấu đạt khoảng 6-6,5% trong năm 2024. GDP bình quân đầu người đạt 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%, và đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Tính đến cuối năm 2023, nợ công của Việt Nam vào khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Chia sẻ thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sát sao nhằm củng cố và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc để kiên định mục tiêu phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Mặc dù còn khá non trẻ nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nhật Bản về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Nhật Bản là một quốc gia mạnh về tài chính, sở hữu công nghệ kỹ thuật hiện đại. Với nguồn lao động trẻ và môi trường đầu tư hết sức thuận lợi hiện nay tại Việt Nam, chắc chắn nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản sẽ quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, mục tiêu tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản lần này là thu hút công nghệ và thu hút nguồn tài chính từ các doanh nghiệp Nhật Bản phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về phần mình, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, khẳng định thu hút Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) là chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của dòng vốn nước ngoài và dòng vốn trong nước để phát triển kinh tế-xã hội. Điều này được tiếp tục thể hiện trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 và hiện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút dòng vốn FII. Trong đó, bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo tính công bằng và bình đẳng đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước; chú trọng cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động chứng khoán tại Việt Nam; nỗ lực đáp ứng các tiêu chí để nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường tài chính Việt Nam, ông Takafumi Oue, Trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội của Công ty chứng khoán Daiwa cho biết: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình phát triển và tăng trưởng. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đối với GDP ít nhất sẽ lên tới 100%. Điểm nổi bật về chính sách của Việt Nam trong thời gian qua là việc xem xét nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tăng khả năng tiếp cận cho các nhà đầu tư nước ngoài. Công ty Daiwa sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam”.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản liên quan đến chủ trương chính sách của Việt Nam trong phát triển thị trường tài chính, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn, sau hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế, cũng như quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản. Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác đem lại hiệu quả cao nhất. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam với phương châm “cùng hành động, cùng thành công, chung thắng lợi”.