Vì sao phải tăng mức phí qua hầm Đèo Cả?

Kể từ 0h ngày 1/4/2019, mức phí qua hầm đường bộ Đèo Cả có điểm đầu tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên và điểm cuối tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên.

Chú thích ảnh
Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Cụ thể, mức phí mới đối với các loại xe thấp nhất từ 90.000 đồng đến 240.000 đồng/lượt; trong khi mức phí thu trước đó từ ngày 3/9/2017 là từ 52.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt/xe. Trong bối cảnh, nhiều trạm BOT giao thông giữ giá thu phí, thậm chí giảm giá vé thì việc BOT Đèo Cả điều chỉnh mức phí khiến nhiều người dân băn khoăn.

Lý giải về việc này, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho hay, hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã) được khởi công năm 2012 và hoàn thành ngày 21/8/2017. Trong hai hầm này, nhà đầu tư chỉ thu phí qua hầm Đèo Cả còn riêng Hầm Cổ Mã đưa vào hoạt động từ tháng 10/2016 không thu phí. 

“Việc thu phí để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả bắt đầu từ ngày 3/9/2017, với mức giá vé được áp dụng theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Đồng thời, người dân có quyền lựa chọn trả phí để đảm bảo an toàn khi đi qua hầm hoặc đi qua đường đèo không mất phí. Mức phí áp dụng cho hầm Đèo Cả theo Thông tư 35/2016/TT-BGTVT có bất cập, bởi chỉ giá vé được thu ngang bằng mức phí cầu, đường bộ, trong khi hầm đường bộ Đèo Cả là công trình có tổng vốn tư rất lớn, khiến dự án khó có khả năng hoàn vốn”, đại diện nhà đầu tư cho biết.

Để khắc phục bất cập trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy định của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT để ban hành khung mức giá dịch vụ phù hợp với tính chất đặc thù của công trình hầm. Trên cơ sở phương án tài chính, cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức kiểm tra đánh giá, lấy ý kiến của các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các nhà đầu tư, doanh nghiệp BOT... làm cơ sở ban hành Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT ngày 21/10/2018 để xử lý các bất cập về mức giá vé của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT.

Như vậy, việc điều chỉnh mức thu phí qua hầm đường bộ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT (sửa đổi mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ) của Bộ Giao thông Vận tải và phụ lục hợp đồng Bộ Giao thông Vận tải ký với nhà đầu tư Đèo Cả nhằm phù hợp với tình hình thực tế, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, sau gần 20 tháng đưa vào khai việc hầm đường bộ Đèo Cả; trong đó, có hầm đường bộ Cổ Mã đã phát huy được yếu tố kinh tế xã hội của dự án. Việc rút ngắn hành trình từ 45 phút xuống còn 10 phút khi đi qua hầm đã giúp người tham gia giao thông tiết kiệm được tiền xăng dầu và thời gian lưu thông qua khu vực này. Nhưng điều đặc biệt hơn là đã giảm thiểu tuyệt đối tai nạn giao thông so với đường đèo quanh co hiểm trở.

Ông Vũ Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, đơn vị này thực hiện công trình hầm đường bộ Đèo Cả theo đúng nguyên tắc BOT minh bạch. Điều này được thể hiện qua việc, đây không phải là con đường độc đạo, tài xế có thể lựa chọn đường bộ qua đèo thay vì đi qua hầm. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác, nhà đầu tư luôn đặt việc hài hòa lợi ích giữa chủ phương tiện và nhà đầu tư qua việc thực hiện miễn, giảm phí cho người dân xung quanh trạm.

Hầm đường bộ Đèo Cả có điểm đầu tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên và điểm cuối tại xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa với tổng chiều dài 13,2 km; trong đó, hầm Đèo Cả dài 4.125 m, hầm đèo Cổ Mã dài 500 m; cầu và đường dẫn dài 9 km. Quy mô toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng.

Theo Phụ lục hợp đồng số 09/PLHĐ-26/HĐ.BOT-BGTVT Bộ Giao thông Vận tải và liên danh nhà đầu tư ký ngày 13/3/2019, mức phí áp dụng từ 1/4/2019 đối với các loại xe từ 90.000 đồng đến 240.000 đồng/lượt.

Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng giá là 90.000 đồng/lượt/xe, vé tháng là 2.700.000 đồng/tháng/xe, vé quý là 7.290.000 đồng/quý/xe.

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn giá 130.000 đồng/lượt/xe, vé tháng và quý là 3.900.000 - 10.530.000 đồng/xe.

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giá 170.000 đồng/lượt, vé tháng và vé quý là 5.100.000 - 13.770.000 đồng/xe.

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet có giá là 180.000 đồng/lượt/xe, vé tháng và vé quý là 5.400.000 - 14.580.000 đồng/xe.

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet có giá là 240.000 đồng/lượt/xe, vé tháng và vé quý là 7.200.000 đồng - 19.440.000 đồng/xe.

Quang Toàn (TTXVN)
Vì sao hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả thiếu kinh phí vận hành?
Vì sao hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả thiếu kinh phí vận hành?

Chiều 29/10, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả chính thức lên tiếng về thông tin nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 trong 1 - 2 tháng tới vì thiếu kinh phí vận hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN