Vì sao giá xuất khẩu gạo khó bứt phá khi nhiều nước bị khủng hoảng lương thực?

Xuất khẩu gạo đang có sự gia tăng cả về sản lượng và giá trị. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo lại không được như năm 2021 mặc dù thời gian vừa qua, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực, giá lương thực nhiều nước tăng cao.  

Chú thích ảnh
Xuất khẩu gạo đang có sự gia tăng cả về sản lượng và giá trị.  Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục dự báo giá xuất khẩu gạo khó có sự bứt phá mạnh khi mà giá lúa mì đã trở về bằng mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung từ các nước sản xuất gạo lớn cũng đang dồi dào. Thị trường kỳ vọng những tín hiệu đột phá mới.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng đánh giá, nhìn chung nhu cầu thị trường đang yếu, sức mua không cao. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Philippines, xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, thị trường Philippines chủ yếu có nhu cầu nhập khẩu loại gạo có mức giá trung bình.  

Những thị trường khác vẫn ổn định nhưng sản lượng nhập không cao. Do đó, khả năng thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục trầm lắng đến hết vụ thu hoạch lúa Hè Thu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo ngày 17/8 của Việt Nam thấp hơn Thái Lan nhưng cao hơn Ấn Độ và Pakistan. Cụ thể, gạo 5% tấm đạt 393 USD/tấn; 378 USD/tấn với gạo 25% tấm. Trong khi đó, gạo Thái Lan đạt 418 USD/tấn với gạo 5% tấm; 396 USD/tấn với gạo 25% tấm. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan lần lượt là 343 USD/tấn và 368 USD/tấn.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương trên 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với cùng kỳ, giá  xuất khẩu trung bình đạt 488,9 USD/tấn, giảm 9,6%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng  xuất khẩu và chiếm 46,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 924,88 triệu USD, tăng tới gần 67% về lượng, tăng 40% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Đánh giá về giá gạo xuất khẩu năm nay không được như kỳ vọng khi nhu cầu lương thực thế giới thời gian vừa qua cao, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, thông thường khi lương thực bị mất mùa, hàng hóa thiếu hụt thì giá mới lên. Thực tế năm nay, các nước sản xuất gạo lớn đều được mùa, sản lượng tăng, tồn kho cao, trong khi nhu cầu vẫn vậy. Do đó, giá đương nhiên sẽ xuống.

Bên cạnh đó, khi các nước có nhu cầu lương thực cao, Việt Nam cũng đổ một lượng nguồn cung quá cao. Bằng chứng là sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng gần 20% so với năm ngoái.

“Tồn kho của các nước nhập khẩu bắt đầu tăng thì giá sẽ khó có thể tăng. Trong khi các nước được mùa, sản phẩm bắt buộc phải bán ra”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu gạo được dự báo gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về những thị trường nhập khẩu gạo lớn, ông Đỗ Hà Nam cho biết, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn nguyên nhân chính là do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, năm nay, Trung Quốc có nhu cầu cao về gạo ST nhưng Việt Nam lại không có đủ để đáp ứng. Gạo ST chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Trong khi trước đây, thị trường này chủ yếu nhập khẩu là nếp, tấm nếp. Với tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc thì nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, bởi nhu cầu gạo để chế biến sang các sản phẩm thấp đi, do nhu cầu tiêu dùng giảm xuống.

Với thị trường Philippines, từ nay đến cuối năm sẽ khó có tăng trưởng đột phá. Bởi từ đầu năm đến nay thị trường này đã nhập khẩu tăng 20% so với cùng kỳ. Cộng với việc nước này bắt đầu vào vụ mùa, nên khả năng tăng trưởng thị trường này sẽ khó.

Với thị trường châu Phi, ông Đỗ Hà Nam cho biết, thị trường này không có đột phá, lượng hàng  xuất khẩu vẫn như hàng năm.

Tuy thị trường hiện chưa có nhiều tín hiệu tích cực nhưng ông Đỗ Hà Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo sẽ được khoảng 2 triệu tấn. Lượng xuất khẩu gạo của năm 2022 vẫn đạt trên 6 triệu tấn với giá trị khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, kỳ vọng giá lên thì khó như mong muốn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động tăng, giảm luân phiên trong tháng 7, với lúa chất lượng cao ghi nhận mức giảm khá nhiều. Thời tiết mưa bão nhiều ngày khiến chất lượng lúa Hè Thu giảm liên tục, trong khi diện tích lúa chín ngày càng tăng tại các địa phương. So với đầu tháng 7, giá các loại lúa đã giảm từ 200 – 400 đồng/kg do thời tiết xấu ảnh hưởng đến chất lượng lúa và nhu cầu tiêu thụ yếu.
 
Giá lúa giảm còn do các nhà xuất khẩu đã giảm bớt thu mua lúa của nông dân, chờ thu hoạch cao điểm và chờ đợi tín hiệu mua từ các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Đôn kỳ vọng, thị trường sôi động trở lại, nhưng đến nay thị trường chưa có biểu hiện rõ nét để cho giá lúa có thể tăng lên.

Tuy nhiên, nhiều thương nhân ngành lúa gạo cũng dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không giảm thêm do đồng bằng sông Cửu Long gần thu hoạch xong vụ Hè Thu, nguồn cung sẽ giảm dần.

Bích Hồng (TTXVN)
6 tháng năm 2022: Xuất khẩu gạo ước đạt 1,72 tỷ USD
6 tháng năm 2022: Xuất khẩu gạo ước đạt 1,72 tỷ USD

Trong 6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt 3,520 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 thu về khoảng 1,72 tỷ USD. Gạo là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN