Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, trước khó khăn về nguồn cung lúa mì trên thế giới, gạo - một loại lương thực chính ở phần lớn châu Á sẽ tăng giá mạnh thời gian tới. Đây cũng là lợi thế cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Bà Vũ Thị Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh nhận định, vì sản lượng lúa mì giảm, giá thành cao, bắt buộc nhiều quốc gia phải tìm nguồn thay thế khác. Gạo là sản phẩm rất phù hợp để thay thế, giá cũng tốt. Xuất khẩu gạo sẽ tốt hơn và giá cũng khả quan hơn trong thời gian tới.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt gần 2,77 triệu tấn, tương đương trên 1,35 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 489 USD/tấn, lần lượt tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Philippines vẫn là thị trường lớn hàng đầu khi chiếm gần 46% tổng lượng và chiếm 43,6% tổng trị giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,27 triệu tấn, tương đương 589,81 triệu USD, tăng 34,6% về lượng và tăng 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Trung Quốc, chiếm trên 14% tổng lượng và chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường tăng khá mạnh như: châu Phi đã tăng hơn 76% so với năm trước, Bờ Biển Ngà tăng 37%, Malaysia tăng 19%, Mozambique tăng 47%…
Tuy giá xuất khẩu gạo giảm so với năm 2021 nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so với một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, trong thời gian tới, xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu mua tại các thị trường vẫn ở mức cao, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc. Nguyên nhân là do sản lượng giảm vì lũ lụt tại Trung Quốc, trong khi đó tại Philippines nguồn dự trữ gạo đang ở mức thấp.
Bên cạnh việc duy trì đơn hàng sang các thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi gạo chất lượng cao như Mỹ hay các nước trong khối EU như: Đức, Thụy Điển, Bỉ, Ba Lan…
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu. Kể từ khi Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Là đơn vị cấp giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi thuế quan trong hạn ngạch của Hiệp định EVFTA, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tính đến ngày 8/6, Cục đã cấp 149 Giấy chứng nhận gạo đi châu Âu với số lượng gạo cấp trên 15.100 tấn kg cho 8 công ty xuất khẩu gạo xin cấp giấy chứng nhận.
So với hạn ngạch ưu đãi từ Hiệp định EVFTA đối với chủng loại gạo thơm là 30.000 tấn, thì đến đầu tháng 6 các doanh nghiệp đã xin cấp giấy chứng nhận để xuất khẩu chiếm trên 50% lượng gạo được ưu đãi.
Là doanh nghiệp có sản lượng gạo lớn nhất xuất khẩu sang EU tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, bà Vũ Thị Huệ, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh cho biết, từ khi có Hiệp định, cơ hội với gạo Việt Nam sang khu vực này rất nhiều. Năm đầu tiên của Hiệp định, Việt Nam đã không sử dụng hết hạn ngạch EU cấp nhưng năm nay ngay từ quý I, các doanh nghiệp đã sử dụng hết hạn ngạch của quý I, II. Đến nay, các doanh nghiệp đang phải chờ đến tháng 7 để có hạn ngạch còn lại của năm nay.
Theo bà Vũ Thị Huệ, hiện nhu cầu gạo của thị trường EU rất lớn với gạo Việt Nam. Nhờ đó, năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn xuất khẩu cả tàu với số lượng hàng ngàn tấn, thay vì trước đây không có hạn ngạch ưu đãi các doanh nghiệp thường xuất khẩu nhỏ lẻ, gửi hàng chỉ vài trăm tấn.
Từ khi dịch COVID-19, cước tàu tăng cao, nhiều chi phí khác cũng tăng, buộc khách hàng phải tính toán kỹ lưỡng. Nếu doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan thì sẽ “lời” được 175 Euro/tấn (khoảng 200 USD/tấn).
“Lợi thế này đã giúp doanh nghiệp chia sẻ phần nào cước tàu tăng cao cũng như các chi phí khác. Nhờ vậy, giá gạo Việt Nam sang EU có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp gạo Việt thâm nhập vào thị trường EU”, bà Vũ Thị Huệ chia sẻ.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất để đảm bảo gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi phải được chứng nhận đảm bảo tính đúng giống. Do đó, doanh nghiệp phải có diện tích canh tác đảm bảo đúng giống, chất lượng. Việc triển khai vùng trồng, giống, đánh giá đồng ruộng, xác nhận giống, thu hoạch… phải đảm bảo đúng theo quy định để có được xác nhận về giống lúa sản xuất. Từ đó Cục Trồng trọt sẽ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
“Việc cấp giấy chứng nhận không có gì khó khăn. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong sản xuất”, bà Vũ Thị Huệ nhấn mạnh.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến nghị, muốn xuất khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu, doanh nghiệp tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường.
Để mở rộng thị phần hơn tại EU, bà Vũ Thị Huệ cho rằng, trước nhu cầu lớn về lương thực, các thị trường có thể sẽ có nhu cầu nhiều hơn về gạo trắng để làm phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Hiện các doanh nghiệp Việt mới khai thác chủ yếu là bán lẻ để đến với người tiêu dùng trực tiếp. Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh cũng hướng tới đóng gói sản phẩm nhỏ nhiều hơn để phân phối trực tiếp trên các kênh bán lẻ, đến người tiêu dùng trực tiếp. Tuy nhiên, còn lĩnh vực các doanh nghiệp chưa khai thác được đó là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như: bún, phở, bánh gạo, chiết xuất protein…
Theo Cục Trồng trọt, hướng đến nâng cao giá trị hạt gạo, nhóm lúa thơm, đặc sản như Jasmine 85, ST, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9… chiếm tỷ lệ trên 33% tổng diện tích gieo cấy của Đồng bằng sông Cửu Long; nhóm lúa chất lượng cao như: OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976,...): chiếm tỷ lệ gần 50%. Nhóm lúa chất lượng trung bình còn trên 7%.