Vì sao 39 triệu người châu Âu vẫn giữ được việc làm trong thời COVID-19

Tại châu Âu, gần 39 triệu người đang được chính phủ trả lương để làm việc bán thời gian hoặc thậm chí không phải làm việc.

Chú thích ảnh
Công nhân chỉnh logo trên khung ô tô Mercedes tại một nhà máy lắp ráp Mercedes-Benz ở Sindelfingen, Đức. Ảnh: CNN

Đây được coi là mức hỗ trợ kỷ lục giúp định hình năng lực của khu vực trong việc thoát khỏi suy thoái kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây ra.

Theo kênh CNN (Mỹ), các quốc gia châu Âu đang phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp duy trì nhân lực. Chính phủ các nước sẽ hỗ trợ chi trả một phần lương. Tại một vài quốc gia, chi phí hỗ trợ có thể lên tới 80% mức lương trung bình.

Không giống như hệ thống xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ, nơi mà chỉ khi mất việc người dân mới nộp đơn xin trợ cấp lên chính phủ, các chương trình như Kurzarbeit của Đức (lược dịch là ‘làm việc ít giờ’) hay "chômage partiel" của Pháp duy trì mối liên hệ giữa chủ thuê và người lao động, giúp công việc nhanh chóng hoạt động trở lại ngay khi khủng hoảng được kiểm soát.

Các chương trình này đã chứng minh được tính hiệu quả trong quá khứ. Kurzarbeit được cho là đã ngăn được tình trạng sa thải hàng loạt tại Đức trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thời điểm đó, chương trình cho phép các nhà sản xuất ô tô lớn như Volkswagen và Daimler nhanh chóng nối lại dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc.

"Hưởng Kurzarbeit còn hơn là bị thất nghiệp”, cựu Bộ trưởng Lao động Đức Walter Arendt trả lời tạp chí Đức Der Spiegel trong năm 1973.

Theo giới phân tích, những chương trình như Kurzarbeit hay "chômage partiel" thích hợp được triển khai trong trường hợp xảy ra tổn thất kinh tế như những gì khủng hoảng COVID-19 gây ra, ít nhất là trong ngắn hạn. Chúng được ví như cây cầu nối giữa doanh nghiệp và nhân công cho đến khi chính phủ các nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa trước đó được áp dụng để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch. 

Chú thích ảnh
Đầu bếp làm việc tại Barcelona, Tây Ban Nhà sau khi nhà hàng chuyển thành nơi chuẩn bị đồ ăn cho các nhân viên y tế và người bị ảnh hưởng do COVID-19. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, số người được hưởng trợ cấp tăng dần lên mỗi ngày và sẽ đến lúc ngân sách cạn kiệt.

“Đó là con số khổng lồ”, Alexander Hijzen - nhà kinh tế học làm việc tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - nhận xét. Tại Đức, cứ 4 nhân viên thì có một người được hưởng chương trình Kurzarbeit. Theo ngân hàng đầu tư UBS, Chính phủ Đức đã phải mở rộng chương trình và hiện hỗ trợ lương cho 10,1 triệu người lao động, gấp 10 lần so với con số 1,4 triệu người trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính 2008. Tại Pháp và Italy, số người lao động hưởng các chương trình hỗ trợ lần lượt là 11,3 triệu và 7,7 triệu người.

Để giải quyết mối lo ngại, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ cấp các khoản vay cho các quốc gia thành viên để tài trợ cho các chương trình đó.

UBS ước tính ngân sách dành cho các chương trình rút ngắn thời gian làm việc tại EU hiện chiếm 1,5% GDP và sẽ tiếp tục tăng với mỗi tuần gia hạn phong tỏa. “Nếu như tình hình kéo dài, sẽ đến thời điểm có người bị mất việc hoàn toàn”, Klaus Wohlrabe, người đứng đầu phòng khảo sát tại Trung tâm Lao động và Kinh tế Nhân khẩu học Ifo (Đức), nhận định.

EC ngày 6/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại EU sẽ tăng từ 6,7% trong năm 2019 lên 9% trong năm 2020, trước khi giảm xuống 8% năm 2021.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ tăng vọt
Tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ tăng vọt

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tăng đột biến lên 27,11% trong tuần kết thúc vào ngày 3/5 vừa qua, so với mức dưới 7% trước khi đại dịch bùng phát tại nước này giữa tháng 3 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN