Cải tiến công nghệ, tăng cường quảng bá, cấu trúc lại sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng lâu dài… Đó là những giải pháp được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra giúp ngành vật liệu xây dựng (VLXD) vượt qua cơn bão khủng hoảng hiện nay tại hội thảo “Giải pháp nào để ngành VLXD vượt qua cơn bão khủng hoảng” do Hội VLXD Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ chương trình triển lãm quốc tế Vietbuild 2013 tại Hà Nội ngày 28/3.
Mất cân đối cung, cầu lớn
Thời gian qua, do tình hình kinh tế khó khăn chung cùng với thị trường bất động sản đóng băng kéo dài khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành VLXD khó khăn do không tiêu thụ được hàng. Theo ông Nguyễn Tiến Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thì sản lượng thép xây dựng trong tháng 2 vừa qua là 260.000 tấn, giảm 83.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Mức tiêu thụ thép tháng 2 đạt 250.000 tấn, đã giảm 153.000 tấn so với tháng trước. Đáng chú ý là giá thành cũng như mức tiêu thụ không cao nhưng giá nguyên liệu lại có xu hướng tăng khiến nhiều DN sản xuất thép bị thua lỗ.
Vận chuyển xi măng đi tiêu thụ tại Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn. |
Trong khi lượng hàng tồn kho trong nước lớn nhưng năm 2012, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn thép các loại với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD. Thép nhập chủ yếu là thép xây dựng từ Trung Quốc, thép tấm lá đen, tôn mạ, phôi thép, thép không gỉ… Trong khi lượng thép các loại xuất khẩu trong năm 2012 chỉ đạt hơn 2 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chưa bằng một nửa kim ngạch nhập khẩu. “Nhiều DN hiện nay đang rất khó khăn, chỉ trong tháng 2/2013 đã có 4 DN ngừng sản xuất, nhiều đơn vị khác chỉ sản xuất cầm chừng.”, ông Nghị cho biết thêm.
Thị trường xi măng cũng không khả quan hơn. Đến đầu năm 2013, năng lực sản xuất của toàn ngành xi măng Việt Nam khoảng 73 triệu tấn/năm, tuy nhiên mức tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 50 triệu tấn/năm. Như vậy, lượng dư thừa hàng năm lên trên 20 triệu tấn. Nếu xuất khẩu hàng năm khoảng 10 triệu tấn thì Việt Nam vẫn dư thừa khoảng 10 - 12 triệu tấn công suất. Trong khi đó, nhiều dự án xi măng vẫn đang tiếp tục được triển khai, nâng công suất, trong vài năm tới nguồn cung sẽ lên trên 80 triệu tấn/năm khiến cho cung ngày càng vượt xa cầu.
Ông Nguyễn Tử Thanh, đại diện Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết: “Giá nguyên nhiên liệu vật liệu liên tục tăng, bình quân tăng khoảng 11,2% so với cuối năm 2011 và dự kiến xu hướng sẽ tăng tiếp trong thời gian tới. Cùng đó, lãi suất vay cho sản xuất đầu tư cao, sự cạnh tranh thị trường khiến nhiều DN suy yếu và phá sản”.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Trước những khó khăn và thách thức đặt ra, ngành VLXD đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN. Theo đó, các DN cần tăng cường đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mặt hàng và mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất. Đồng thời, các DN cần chú trọng đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường.
TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết: “Hiện nay và các năm tiếp theo đến 2015 - 2016, năng lực sản xuất VLXD còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20 - 30%, do đó phải đẩy mạnh xuất khẩu, đưa kim ngạch xuất khẩu lên 1,5 tỷ - 2 tỷ USD. Để làm được điều đó, cần có chiến lược tổ chức mạng lưới xuất khẩu VLXD đi vào các thị trường lớn, có tiềm năng lâu dài. Các hiệp hội nên chủ động tổ chức hợp tác xuất khẩu, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh”.
Hiện nay một số ngành đã đẩy mạnh xuất khẩu và đã có được những tín hiệu vui. Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam cho biết: “Hiện nay thị trường trong nước ngày càng bão hòa nên các DN tích cực mở rộng thị trường ra khu vực và quốc tế, hiện nay chúng ta đã xuất khẩu được 15 - 16% số lượng sản xuất”.
Tương tự, với công suất sản xuất thép của Việt Nam đã vượt quá nhu cầu trong nước nên nhiều DN thép đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu, ông Phạm Tiến Nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, ngành thép cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa. Ông cho biết thêm: “Tuy nhiên, việc xuất khẩu không hề đơn giản, không phải DN nào cũng có thể xuất khẩu được và việc cạnh tranh nhau về giá giữa các DN là điều không tránh khỏi nhưng chúng tôi sẽ điều chỉnh và nắm chi tiết các thị trường sẽ xuất khẩu sang để tránh tình trạng bán phá giá”.
Thu Trang