Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 14 giờ 46 phút Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.202,57 USD/ounce. Trong phiên giao dịch trước đó, giá vàng đã giảm xuống còn 1.199,72 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 11/10.
Trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn "đi ngang" và giữ ở mức 1.203,8 USD/ounce. Theo trưởng giao dịch viên Ronald Leung của Lee Cheong Gold Dealers tại Đặc khu hành chính Hong Kong, hoạt động mua vào đang diễn ra trên thị trường vàng song bị hạn chế phần nào do đồng USD mạnh lên.
Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị đồng USD so với giỏ gồm sáu đồng tiền chủ chốt, vẫn “ở quanh” gần mức cao nhất trong 16 tháng qua là 97,69 (điểm) trong ngày 12/11.
Trong khi đó, lượng vàng mà quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,9% lên 762 tấn trong ngày 12/11.
Cùng phiên trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6% lên 14,04 USD/ounce, sau khi vào đầu phiên có lúc chạm mức đáy của hơn 2 tháng qua là 13,95 USD/ounce. Giá pa-la-đi tăng 0,8% lên 1.104,70 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,6% lên 845,60 USD/ounce.
* Trong phiên giao dịch ngày 13/11, giá dầu dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc tại thị trường châu Á mất khoảng 1% xuống lần lượt dưới 60 USD/thùng và 70 USD/thùng. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bảy tỏ hy vọng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không cắt giảm sản lượng là nguyên do chính đẩy giá “vàng đen” đi xuống.
Trong phiên chiều 13/11 tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao kỳ hạn giảm 0,79 USD (1,3%) xuống 59,14 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 0,73 USD (1%) xuống 69,39 USD/thùng. Như vậy, hiện cả hai loại dầu chủ chốt này đều đã mất hơn 20% giá trị kể từ đầu tháng 10/2018.
Phiên này, đồng USD ở gần mức cao nhất 16 tháng so với giỏ sáu đồng tiền chủ chốt, khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Bank of America Merrill Lynch nhận định sản lượng dầu tăng cao nhất ngưởng của Mỹ, cùng với xu hướng sản lượng gia tăng tại Saudi Arabia và Nga đang bắt đầu ảnh hưởng tới sự cân bằng của thị trường dầu mỏ.
Điều này khiến lượng dầu mỏ dự trữ và nguồn cung trên toàn cầu có khả năng lại dư thừa một lần nữa. Ngân hàng trên dự báo sản lượng dầu của Mỹ, vốn đã đạt mức cao kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày, sẽ vượt mốc 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019, đưa Mỹ trở thành quốc gia "độc lập" về năng lượng.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Kazakhstan trong 10 tháng qua cũng tăng mạnh 4,8% lên 74,5 triệu tấn, tương đương 1,82 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih cho hay OPEC đã nhất trí rằng cần thiết phải cắt giảm nguồn cung dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm tới so với mức của tháng 10 năm nay, nhằm ngăn chặn tình trạng dôi dư nguồn cung.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/11 đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng giá dầu nên thấp hơn nhiều dựa trên nguồn cung hiện nay, đồng thời bày tỏ hy vọng Saudi Arabia và OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih thông báo bắt đầu từ tháng 12 tới, nước này sẽ cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày trong thời điểm OPEC và các nước ngoài tổ chức này chưa đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu.