Sau khi “án binh bất động” trong phiên đầu tuần (ngày 30/7) trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tưởng như thị trường vàng đã tìm được động lực đi lên khi Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng tái khởi động đàm phán để “tháo ngòi nổ” chiến tranh thương mại. Theo nhà quản lý cấp cao George Gero của công ty tư vấn đầu tư RBC Wealth Management, nếu Trung Quốc và Mỹ thực sự tiến hành đàm phán và đạt được kết quả khả quan, điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường kim loại bởi lẽ nó sẽ giúp Trung Quốc trở lại thị trường vàng và tiếp nhận các đơn hàng. Đã có những lo ngại về việc Trung Quốc dừng tiếp nhận các đơn hàng vì các khoản thuế quan và đồng USD mạnh lên.
Tuy nhiên, trái với dự kiến, giá kim loại quý này lại đảo chiều hạ liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 1-2/8, do đồng USD mạnh lên. Mặc dù sau quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed, đồng bạc xanhd dã quay đầu đi xuống, song vàng vẫn không thuyết phục được giới đầu tư. Carlo Alberto De Casa, chuyên gia phân tích thuộc ActivTrade, cho hay giá vàng thường có xu hướng giảm khi đồng USD mạnh lên, song kim loại quý này không thể “lấy lại sức” khi đồng bạc xanh giảm xuống, qua đó cho thấy có rất ít nhà đầu tư hứng thú với vàng trong giai đoạn này.
Các nhà phân tích của ScotiaMocatta dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trước đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng Chín, nhà phân tích Bernard Dahdah, thuộc Natixis giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.200 USD/ounce trước khi Fed công bố quyết định lãi suất trong cuộc họp tháng Chín tới.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/8, giá vàng tăng trở lại sau khi gần chạm mức thấp nhất 17 tháng, giữa bối cảnh báo cáo việc làm tháng 7/2018 của Mỹ yếu hơn kỳ vọng và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nỗ lực nâng giá đồng NDT.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tại sàn COMEX tăng 0,6%, lên 1.214,79 USD/ounce. Có thời điểm trong phiên, giá vàng giao ngay tăng 1%, lên 1.220,01 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức 1.204 USD/ounce- thấp nhất kể từ ngày 15/3/2017- vào đầu phiên.
Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2018 tiến 3,10 USD (tương đương gần 0,3%) lên 1.223,20 USD/ounce. Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn mất 0,8% trong tuần qua, đánh dấu tuần sụt giảm thứ tư liên tiếp.
Vàng trượt dài trong vài tuần gần đây khi đồng USD đang trên đà tăng mạnh. Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng USD so với sáu đồng tiền chủ chốt khác – đã tăng 0,5% trong tuần này. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần ngày 3/8, chỉ số đồng USD đã suy yếu sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho hay, trong tháng Bảy vừa qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra thêm 157.000 việc làm, thấp hơn dự báo là tạo thêm 195.000 việc làm của MarketWatch, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 4% trong tháng Sáu xuống 3,9%. Cùng ngày, báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số hoạt động lĩnh vực phi chê staoj của Mỹ trong tháng 7/2018 đã giảm xuống 55,7% từ mức 59,1% của tháng trước đó và là mức thấp nhất 11 tháng qua.
Hiện các nhà đầu tư tỏ ra không mấy mặn mà với kim loại quý này, ngay cả khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác khác trên thế giới leo thang tạo điều kiện cho các kênh đầu tư an toàn. Theo một báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) trong ngày 2/8, nhu cầu vàng toàn cầu sụt 4% xuống 964 tấn trong quý II/2018.
Cũng trong phiên cuối tuần, giá bạc tăng 0,7% lên 15,41 USD/ounce song vẫn ghi dấu tuần giảm giá thứ tám liên tiếp. Giá palladium mất 0,1% xuống 910,75 USD/ounce, nâng tổng mức giảm trong tuần qua lên 0,8%. Còn giá bạch kim lại tăng 0,8%, lên 828,99 USD/ounce, ghi nhận mức tăng 0,4% cả tuần.