Điêu đứng
Chị Nguyễn Kim Thanh ở quận Long Biên là hành khách thường xuyên của tuyến buýt số 01 (Bến xe Gia Lâm - Ga Hà Nội) chia sẻ, tuyến buýt 01 hàng ngày trước đây thường xuyên đông khách, kín chỗ, nhưng từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lượng khách đi xe vắng hẳn. Có những lượt xe chỉ có 3 - 4 khách... Mặc dù các chuyến xe, hành khách và lái, phụ xe đều chấp hành nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, nhưng nhiều người vẫn e ngại sự lây lan của virus nên đã hạn chế đi xe buýt...
Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tháng 5/2021, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trên các tuyến chỉ đạt bình quân dưới 25% so với tháng 4/2021, trong đó nhiều tuyến chỉ đạt khoảng 16%...
Còn số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho thấy, nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt đã giảm mạnh từ đợt dịch lần thứ 4, sản lượng hành khách đi xe buýt trợ giá trong tháng 5/2021 chỉ đạt 14,5 triệu lượt người (giảm gần 38% so với tháng 4/2021 và giảm trên 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng hành khách sụt giảm dẫn tới doanh thu của các công ty vận tải xe buýt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Transerco - đơn vị chủ lực đang nắm giữ 80% thị phần xe buýt Hà Nội chỉ đạt doanh thu vé lượt tháng 5/2021 khoảng 23% kế hoạch đề ra, doanh thu 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 115 tỷ đồng, bằng 50% so với dự toán.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều phương tiện kinh doanh vận tải hành khách công cộng đã phải dừng, giảm chuyến, giảm sức chứa theo các điều kiện giãn cách, nên sản lượng vận tải xe buýt tháng 5/2021 giảm sâu 30% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu giảm 40%. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội để giữ chân người lao động và đóng phí bảo trì đường bộ đầy đủ cho phương tiện theo quy định.
Qua tìm hiểu, thành phố hiện có hơn 8.000 lái xe, nhân viên phục vụ trên 1.800 xe buýt. Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, thì đây là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng. Vì vậy, thành phố cần xem xét ưu tiên để người lao động yên tâm làm việc, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Mong các giải pháp hỗ trợ kịp thời
Theo ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, như giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất, kinh doanh; xem xét cho các doanh nghiệp được ngừng đóng bảo hiểm xã hội, miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2021.
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đã điều chỉnh giảm tần suất và lượt phương tiện hoạt động trên 118 tuyến buýt có trợ giá, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp, các ngành chức năng báo cáo thành phố đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ. Sở cũng đã có văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng; hỗ trợ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, Sở cũng đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội xem xét giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng chống dịch COVID-19 như: Phun khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn trên xe, khẩu trang, dán bổ sung các thông tin phòng dịch… và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện, nhằm hỗ trợ cho các tuyến buýt duy trì hoạt động.