Những năm qua, tốc độ phát triển chóng mặt của năng lượng tái tạo tại địa phương này đã gây áp lực rất lớn đối với việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện truyền tải tại đây.
Thường xuyên vận hành đầy tải
Theo báo cáo từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), hiện có 57 nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải do Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý bao gồm 9 tỉnh khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên với gần 2.000 MW điện gió, hơn 5.000 MW điện mặt trời. Cùng với đó còn có hơn 2.600 MW điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 10.974 MW.
Trong đó, chỉ tính riêng tại tỉnh Ninh Thuận đã chiếm 18/57 nhà máy năng lượng tái tạo trong toàn khu vực. Trong số này có tới 14 nhà máy điện mặt trời và 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.900 MW. Theo Truyền tải điện Ninh Thuận, trong năm 2022, sản lượng điện truyền tải của đơn vị này đạt 5,46 tỷ kWh, trong đó sản lượng giải tỏa công suất từ các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối trực tiếp lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chiếm hơn 2,1 tỷ kWh.
Ông Nguyễn Phùng Dũng, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, Truyền tải điện Ninh Thuận đang quản lý vận hành gần 69 km đường dây 500 kV, hơn 156 km đường dây 220 kV và 2 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất 1.000 MVA thuộc lưới điện truyền tải quốc gia với nhân sự là 50 người, được bố trí tại 4 phòng chức năng và 3 đơn vị sản xuất (Đội Truyền tải điện Phan Rang, Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm và Tổ thao tác lưu động Ninh Phước). "Dự báo trong năm 2023, điện thương phẩm giao xuống sẽ giảm mạnh vì năng lượng tái tạo được đưa vào nhiều, ban ngày là điện mặt trời và ban đêm là điện gió phát huy hiệu suất hoạt động", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Phùng Dũng cho biết: "Số lượng nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối nhiều nào hệ thống lưới điện truyền tải do đơn vị quản lý khiến cho lưới điện thường xuyên xảy ra tình trạng đầy tải, thậm chí quá tải, gây áp lực rất lớn trong việc bảo đảm vận hành an toàn ổn định hệ thống. Cùng với đó, trong những năm qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận luôn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, giông sét nhiều; đường dây đơn vị quản lý nằm trên địa hình tương đối khó khăn, đa phần đường dây đi qua địa hình đồi núi nhất là khối lượng lớn đường dây mới… Dù vậy, Truyền tải điện Ninh Thuận vẫn nỗ lực đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả.".
Phân tích của các chuyên gia của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, do tốc độ phát triển nhanh của các nguồn điện mặt trời trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220 kV, máy biến áp 220 kV không chỉ tại tỉnh Ninh Thuận mà các tỉnh trong khu vực như Bình Thuận, Lâm Ðồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Ðịnh, Gia Lai đều vận hành đầy tải.
Các Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện quốc gia (NLDC), Điều độ hệ thống Miền A2, A3 đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để điều hòa công suất, tận dụng cao nhất khả năng tải các đường dây 220 kV còn non tải.
Nỗ lực giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo
Nhằm đảm bảo vận hành lưới điện, nỗ lực giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo đưa lên lưới, ông Nguyễn Phùng Dũng, Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận cho biết, trong năm 2022, nhờ sự chủ động tính toán và phối hợp tốt giữa các nhà máy năng lượng tái tạo, truyền tải điện Ninh Thuận, Công ty Tuyền tải điện 3 và các đơn vị điều độ nên lưới điện truyền tải do truyền tải điện Ninh Thuận quản lý được vận hành an toàn, ổn định và không xảy ra sự cố nào.
Cụ thể, Truyền tải điện Ninh Thuận đã trực tiếp làm việc với từng nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đấu nối vào lưới điện truyền tải về việc phối hợp đảm bảo vận hành an toàn cho các điểm đấu nối nói riêng và lưới điện truyền tải quốc gia nói chung. Hàng năm, truyền tải điện Ninh Thuận phải bố trí lịch cắt điện các đường dây, máy biến áp, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị.
Với số lượng lớn các nhà máy "điện sạch", các thiết bị vận hành đầy tải dẫn đến việc đơn vị phải tăng cường tần suất giám sát thiết bị trong trạm biến áp; đo nhiệt độ tiếp xúc lèo, mối nối và hành lang tuyến đường dây để kịp thời khắc phục, xử lý hiện tượng bất thường.
Anh Ngụy Văn Khải, Trưởng kíp Tổ công tác lưu động Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước chia sẻ, do đặc thù của trạm 220 kV Ninh Phước các thiết bị thường vận hành ở chế độ đầy tải, quá tải nên các ca trực phải liên tục tăng cường theo dõi nhiệt độ các thiết bị, các điểm tiếp xúc, dao cách ly, máy cắt… Ngoài ra khu vực này rất nhiều chim nên trạm cũng lắp thêm các thiết bị đuổi chim.
"Mỗi khi có lịch cắt điện, anh em trong tổ công tác lưu động cũng tăng cường vệ sinh bảo dưỡng thiết bị. Đối với phần nhị thứ tiến hành rà soát các mạch và các khoảng kẹp, kiểm tra lại dây có thể ảnh hưởng đến quá trình vận hành khi đóng điện", anh Khải cho biết.
Đối với đường dây đầy tải, truyền tải điện Ninh Thuận phải thực hiện đo, kiểm tra phát nhiệt hai lần/tháng. Đối với những điểm có nguy cơ phát nhiệt, tiến hành đo một lần/tuần; các máy biến áp vận hành đầy tải tăng cường đo, kiểm tra phát nhiệt một lần/tháng, với những điểm có nguy cơ phát nhiệt, đo một lần/tuần trong ba ca liên tục để điều chỉnh công suất phát xử lý đầy tải, quá tải.
Theo truyền tải điện Ninh Thuận, hầu hết các nhà máy điện năng lượng tái tạo có thời gian lập hồ sơ thiết kế ngắn nên các bản vẽ thi công phần điện cũng còn một số bất cập, tuy nhiên, các chủ đầu tư đã phối hợp tốt với đơn vị và PTC3 để sửa đổi, hiệu chỉnh phù hợp lưới điện hiện hữu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, tiến độ đóng điện và hòa lưới điện truyền tải, không để xảy ra sự cố.
Trong giai đoạn vận hành, thực hiện đầy đủ quy chế phối hợp quản lý vận hành giữa Truyền tải điện Ninh Thuận, PTC3 với các nhà máy năng lượng tái tạo như thông tin về tình trạng đầy, quá tải; bất thường, sự cố; thao tác cắt điện/cô lập/đóng điện đường dây; cách thức trao đổi thông tin phục vụ phối hợp quản lý vận hành và xử lý sự cố. Ngoài việc trao đổi thông tin qua email, Truyền tải điện Ninh Thuận cũng tiến hành lập nhóm để trao đổi trực tiếp giữa kíp trực vận hành, lãnh đạo các nhà máy và lãnh đạo truyền tải điện để xử lý kịp thời các tình huống trong quá trình quản lý, vận hành.
Các thông tin liên quan tình trạng đầy, quá tải, thao tác cắt điện/cô lập/đóng điện đường dây, văn bản, phiếu đăng ký cắt điện, phiếu thao tác… được chuyển lên nhóm để kịp thời thông tin và phối hợp xử lý.