Ước tính thiệt hại trên cây hồ tiêu tại Quảng Trị lên đến 10 tỷ đồng

Theo Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, hiện trên địa bàn tỉnh, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu diễn biến khá phức tạp , ước tính thiệt hại của người dân lên đến 10 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương triển khai biện pháp phòng chống bệnh cũng như hạn chế tốc độ lây lan của bệnh.


Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu phát sinh và lây lan mạnh chủ yếu tại các vườn tiêu ẩm ướt, hệ thống thoát nước kém, không làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, bón phân không cân đối. Tại các vườn tiêu bị bệnh, ban đầu các chóp rễ chuyển biến từ màu nâu nhạt sau sang nâu đen, mép lá hơi co lại rồi chuyển màu vàng trước khi rụng, dây thân tiêu bị thâm đen.

Vườn tiêu ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh bị mắc bệnh chết nhanh. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Cây tiêu héo rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ sau 1-2 tuần, các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Mặc dù cây tiêu đã chết, thế nhưng nấm bệnh vẫn tồn tại trong đất, trong tàn dư cây trồng, lây lan qua đường nước, qua không khí là nguồn bệnh cho các vườn hồ tiêu.


Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 370 ha tiêu bị mắc bệnh chết nhanh, trong đó diện tích nhiễm nặng trên 57 ha với nhiều vườn cây chết hàng loạt tập trung ở các xã Gio An, Trung Sơn của huyện Gio Linh, xã Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh. So với năm 2016, diện tích tiêu nhiễm bệnh tăng 188 ha.


Chị Lê Thị Thới, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh cho biết, vườn tiêu của gia đình bắt đầu có hiện tượng vàng lá rồi chết dần chỉ trong thời gian ngắn. Ngay khi phát hiện bệnh, gia đình triển khai các biện pháp phun thuốc để hạn chế sự lây lan của bệnh. Tuy nhiên, đến giờ, bệnh chết nhanh khiến vườn tiêu của gia đình thiệt hại hơn 50% diện tích…


Trước tình hình phát triển của bệnh chết nhanh hại hồ tiêu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉ đạo phòng trừ và cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở để điều tra, phát hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ để hướng dẫn xử lý thuốc các cây tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh và các trụ tiêu bị bệnh.


Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, dự tính dự báo và có các thông báo sâu bệnh định kỳ trên hồ tiêu, cũng như tình hình phát sinh phát triển của bệnh hại để giúp nông dân định hướng và có biện pháp xử lý cụ thể trên vườn tiêu.


Mặt khác, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho các vùng hồ tiêu bị bệnh, hiện 3 mô hình trình diễn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở 3 xã Trung Sơn, Hải Thái, Gio An. Ngoài ra, việc tuyên truyền hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý nguồn bệnh trong đất, trong tàn dư cây trồng vẫn còn tồn tại các vườn tiêu bị chết rụi được đẩy mạnh.


Ông Trần Minh Tuấn, Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, biến đổi của khí hậu tạo điều kiện thuận l ợi bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu phát triển mạnh.


Trước thực tế này, Chi cục phối hợp với các ngành chức năng có liên quan cũng như các địa phương triển khai hướng dẫn hộ trồng hồ tiêu biện pháp kỹ thuật như: Phun thuốc, đào rãnh thoát nước, xử lý tiêu chết, làm đất, tiêu hủy, rải vôi…


Tuy nhiên, để diện tích tiêu phát triển bền vững và sạch bệnh, các lớp tập huấn cũng như xây dựng và chuyển giao một số mô hình được triển khai để người dân học tập và áp dụng. Bên cạnh đó, Chi cục tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ cách thức chữa trị bệnh chết nhanh…


Thanh Thủy (TTXVN)
Nhiều diện tích hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu bị bệnh chết nhanh, chết chậm
Nhiều diện tích hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu bị bệnh chết nhanh, chết chậm

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành… có hơn 80 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, tăng hơn 20 ha so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN