Quyết định trên được Unilever đưa ra hai năm sau khi tập đoàn này thất bại trong việc chuyển trụ sở sang Hà Lan.
Trong thông báo ngày 11/6, Unilever cho biết việc chấm dứt cơ cấu "hai đầu cầu" đã tồn tại trong suốt 90 năm qua sẽ giúp tập đoàn này có thể thích ứng nhanh hơn với những thách thức của thời đại mới, trong đó bao gồm cả cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, Unilever nhấn mạnh rằng sự hiện diện cũng như các hoạt động của tập đoàn này ở cả Hà Lan và Anh sẽ "không thay đổi", đồng thời tên niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán London và Amsterdam (Hà Lan) cũng sẽ được giữ nguyên.
Chủ tịch Unilever - ông Nils Andersen cho biết sau 18 tháng nghiên cứu tình hình, ban lãnh đạo của hãng tin rằng "việc chuyển từ cấu trúc pháp lý hai thực thể hiện nay sang một trụ sở duy nhất sẽ mang lại lợi ích đáng kể". Theo hãng này, một báo cáo đánh giá về hoạt động kinh doanh trà - vốn là một trong những mặt hàng chủ chốt của hãng này - trước đó cho thấy cấu trúc hai đầu cầu Anh - Hà Lan "có thể còn gây ra những bất lợi cho tập đoàn".
Ông Andersen nêu rõ: "Rõ ràng là đại dịch COVID-19 sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh mà trong đó sự linh hoạt và khả năng phản ứng nhanh nhạy là những yếu tố vô cùng quan trọng". Do đó, thực thể Hà Lan sẽ được sáp nhập vào một công ty mẹ duy nhất có trụ sở tại London mang tên Unilever PLC, qua đó "tạo nên một công ty đơn giản hơn với tính linh hoạt chiến lược cao hơn và có định hình tốt hơn cho thành công trong tương lai".
Tập đoàn Unilever ra đời năm 1930, sau khi nhà sản xuất bơ thực vật Margarien Unie của Hà Lan sáp nhập với nhà sản xuất xà phòng Lever Brothers của Anh. Cấu trúc "hai đầu cầu" cũng được vận hành kể từ đó. Unilever đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, với các nhãn hàng phổ biến như trà Lipton, kem Magnum và gia vị thực phẩm Knorr. Tại Việt Nam, Unilever cũng được biết đến với nhiều sản phẩm tẩy rửa như Vim, Omo, Sunlight, Lifebuoy, Dove, Comfort...