Ứng phó với hạn hán ở Tây Nguyên - Bài 2: Phát triển hệ thống thủy lợi

Theo các nhà khoa học, nhà quản lý để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên đang có xu hướng diễn ra ngày càng gay gắt, cực đoan phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bên cạnh những giải pháp trước mắt mang tính đặc thù của mỗi địa phương cần có những giải pháp lâu dài; trong đó, phát tiển hệ thống thủy lợi được xem là căn cơ.

Hiệu quả từ các công trình thủy lợi

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đang nạo vét kênh mương, đảm bảo nước cho vụ lúa Đông xuân. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Mấy năm nay, từ nhiều nguồn kinh phí, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư, nâng cấp hàng loạt các công trình thủy lợi, giúp hàng nghìn hộ dân chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Đầu tư phát triển thủy lợi là trọng tâm hàng đầu, trong bối cảnh khô hạn ngày càng gay gắt và thời tiết diễn biến bất thường.  

Công trình thủy lợi hồ Cầu Tư, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông vừa được đầu tư cải tạo và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Dung tích hồ chứa được nâng từ 1-8 triệu m3. Hàng nghìn hộ dân các xã Nghĩa Thắng, Đắk Sin, Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp được hưởng lợi từ công trình này.

Theo thống kê của ngành chức năng, có gần 1.000 ha cây trồng khu vực lân cận hồ, như cà phê, tiêu, cây ăn trái… được đảm bảo nguồn nước tưới; trong đó, có khoảng 250 ha lúa nước của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Việc cải tạo, nâng cấp hồ Cầu Tư cũng giúp người dân tiết kiệm được nhiều nguyên nhiên liệu, chi phí vật tư phục vụ tưới nước cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Bình, nông dân xã Nghĩa Thắng chia sẻ, việc cải tạo, nâng cấp hồ Cầu Tư đã giúp gia đình ông gạt bỏ được nỗi lo thiếu nước tưới cho hơn 2 ha cà phê, tiêu vào mùa khô. Thêm nữa, nguồn nước dồi dào cũng giúp gia đình tiết kiệm đáng kể nhiên liệu nhờ giảm hệ thống bơm chuyển, đường ống, công cán liên quan.

Ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi đã tăng hệ số đảm bảo an toàn hồ đập và hiệu quả khai thác sử dụng mặt nước.

Từ năm 2010, đơn vị cung cấp nước tưới cho 25.000 ha, mùa khô năm nay dự kiến gần 46.000 ha. Hiện ngành nông nghiệp Đắk Nông kiến nghị Trung ương tăng mức đầu tư phát triển thủy lợi cũng như có các chính sách thu hút, xã hội hóa việc phát triển thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng cũng như phát triển nông nghiệp bền vững.

Là một huyện nghèo, Krông Pa được ví như vùng “chảo lửa” của tỉnh Gia Lai bởi nơi đây thường xuyên có nhiệt độ cao và tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất xảy ra vào mùa khô. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng ngắn ngày như sắn, ngô, lúa, mía, rau màu,… nên việc đảm bảo nước tưới vô cùng quan trọng.

Gia Lai xin chủ trương xây dựng Công trình thủy lợi Ia Mlah ở xã Ia Mlah và xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Cùng với hệ thống kênh mương ngày càng phát triển, công trình này phục vụ tưới tiêu cho hàng nghìn ha cây trồng, giúp người nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đến nay, công trình đã đảm bảo năng lực tưới hơn 2.663 ha cây trồng các loại, cung ứng nước sinh hoạt cho khoảng 4.000 hộ dân với hơn 20.000 khẩu. Vùng tưới của công trình được mở rộng đến các xã Đất Bằng, Ia Mlah, Phú Cần, Chư Ngọc, Chư Gu và thị trấn Phú Túc.

Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa, hồ chứa thủy lợi Ia Mlah góp phần quan trọng trong việc điều tiết lũ cho vùng hạ lưu sông Ia Mlah, sông Ba và đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp của huyện Krông Pa.

Nhờ khai thác tốt các công trình thủy lợi, huyện đã mở rộng diện tích lúa nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, công trình thủy lợi Ia Mlah được đưa vào sử dụng và đầu tư thêm hệ thống kênh mương đã giúp sản xuất nông nghiệp của huyện không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Diện tích lúa nước tăng và người dân chủ động trong sản xuất, lựa chọn cây trồng để phát triển kinh tế.

Đầu tư thêm hạ tầng thủy lợi

Chú thích ảnh
Hồ thủy điện Ka Nak, hồ chứa lớn nhất trên lưu vực sông Ba, hiện chỉ còn khoảng 30 triệu m3 nước, đạt khoảng 10% dung tích thiết kế. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Phát triển hệ thống thủy lợi và kênh mương dẫn nước sẽ là hướng đi lâu dài của các tỉnh Tây Nguyên trong phòng, chống hạn hán. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là hệ thống công trình thủy lợi ở Tây Nguyên vừa thiếu, lại xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư tu bổ, sửa chữa.

Hiện toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng 2.354 công trình thủy lợi; trong đó có 1.190 hồ chứa, 972 đập dâng, 130 trạm bơm và 62 công trình khác đảm bảo năng lực tưới cho khoảng gần 290.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ tưới cho khoảng 214.645 ha, đáp ứng hơn 20% nhu cầu tưới tiêu toàn vùng.

Tiến sỹ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, do yếu tố địa hình và khí hậu phân ra 2 mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) nên việc giữ nguồn nước đối với các tỉnh Tây Nguyên rất quan trọng để sản xuất bền vững.

Muốn bảo vệ nguồn nước, trước hết, các tỉnh Tây Nguyên phải đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để giữ nước; giữ nước mưa lại trong các hồ chứa để phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa khô.

Hiện công trình thủy lợi ở Tây Nguyên ít, lại xuống cấp thì nhà nước cần tập trung đầu tư, tu bổ; đồng thời, bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, trồng thêm rừng để tăng độ che phủ; làm dày thảm thực vật để giữ nước mưa, nâng mực nước ngầm lên.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, Đắk Lắk có 607 hồ chứa, 117 đập dâng, 57 trạm bơm phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sản xuất, sinh hoạt.

Nhiều công trình sau khi được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả rất tốt như: hồ Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ, Ea Nhái, Ea Kao… Tuy nhiên, so với nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng, nhất là trong mùa khô thì hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được.

Một số vùng tại huyện Buôn Đôn, Ea Súp không thể sản xuất trong mùa khô do thiếu nước tưới. Vì vậy, tỉnh mong muốn Trung ương đầu tư xây dựng thêm các công trình hồ đập tại những vùng trống; nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống kênh mương để tiết kiệm nguồn nước và đưa được nước đến các vùng tưới khác; tận dụng tối đa các công trình có sẵn.

Cùng đó, xây dựng thêm một số trạm bơm để tận dụng nước tưới tại hồ đập để tưới cho các vùng lân cận. Nhiều hồ như Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ có nhiều nước nhưng không có trạm bơm để tưới cho vùng lân cận.

Tại Lâm Đồng, trong số 157.000 ha cây trồng chủ động được nguồn nước tưới thì hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới cho khoảng gần 60.000 ha. Tuy nhiên, qua rà soát, trong số 430 công trình thủy lợi (gồm 220 hồ chứa nước, 87 đập dâng, 92 đập tạm, 19 trạm bơm tưới) thì có tới 41 công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Huề, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh có diện tích nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày lớn tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp dẫn đến nguy cơ thiếu nước trên diện rộng.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh xem xét trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí chống hạn cho tỉnh. Cụ thể, kinh phí phòng, chống hạn năm 2019 là 53 tỷ đồng để nạo vét chống hạn và hỗ trợ đào ao, hồ nhỏ.

Để phát triển hệ thống thủy lợi ở Tây Nguyên, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn năm 2030, định hướng đến năm 2050. Tổng kinh phí thực hiện quy hoạch khoảng 103.224 tỷ đồng.

Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn năm 2030, định hướng đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp, từng bước hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi, nâng cao mức đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp.

Các giải pháp cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho trên 1,16 triệu ha đất canh tác; trong đó, nâng diện tích đảm bảo cần tưới từ công trình thủy lợi đạt 52%; đảm bảo 90% nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp… Cùng đó là đảm bảo tiêu, thoát nước với trận mưa tần suất 10%.

Bài cuối: Giải pháp canh tác nào?

Nhóm phóng viên các CQTT Tây Nguyên (TTXVN)
Ứng phó với hạn hán ở Tây Nguyên - Bài 1: Đến hẹn lại hạn
Ứng phó với hạn hán ở Tây Nguyên - Bài 1: Đến hẹn lại hạn

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của vùng Tây Nguyên đã trở thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia có giá trị xuất khẩu hàng tỷ đô la như cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp khu vực này đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán với diễn biết khó lường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN