Ứng phó với hạn hán ở Tây Nguyên - Bài 1: Đến hẹn lại hạn

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của vùng Tây Nguyên đã trở thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia có giá trị xuất khẩu hàng tỷ đô la như cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp khu vực này đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán với diễn biết khó lường.

Chú thích ảnh
Người dân huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) tìm kiếm nguồn nước ngầm dưới lòng đất. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Chồng chất khó khăn

Thời điểm này, nông dân các địa phương ở khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) đang chật vật chống hạn cho cây trồng, trong bối cảnh nắng hạn ngày càng gay gắt và giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm mạnh.

Ông Đinh Văn Nhật, nông dân tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, năm nay nắng hạn gay gắt hơn so với các năm trước. Đến nay, gia đình ông đã tưới đợt thứ 7 cho vườn tiêu diện tích gần 2 ha. Dù tốn kém tiền điện, công cán, phân bón nhưng vườn tiêu vẫn cằn cỗi dưới cái nắng như “đổ lửa” của tháng 3 ở Tây Nguyên.

Định cư tại xã Ea Pô đã hơn 20 năm, ông Nhật cho biết, thời tiết trước đây tương đối ôn hòa, nhưng khoảng từ 5 - 7 năm gần đây thì ngày càng bất thường. Mùa mưa, ròng rã nhiều tháng liền ngày nào trời cũng mưa; mùa khô thì nắng hạn kéo dài, cây trồng cứ “trơ” ra, không phát triển được dù nông dân rất nhiều nhân lực, vật lực để chăm sóc.

Mùa khô năm 2018 - 2019 tiếp tục ghi nhận một đợt nắng hạn kéo dài. Trong khi trước đó mưa dứt sớm, lượng nước trên các ao hồ, sông suối vẫn ở mức thấp. Nhiều chân ruộng khô cạn, nông dân thất thu nặng nề.

Còn ông Hà Thanh Đoàn ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cho biết, gia đình đang triển khai tưới nước đợt thứ 5 cho cà phê. Việc tưới nước chống hạn cho cây trồng ngày càng khó khăn do nguồn nước từ các ao hồ, sông suối bắt đầu giảm mạnh từ sau tết, nhiều ao hồ hiện đã trơ đáy.

Mong muốn của nông dân hiện nay là Nhà nước bình bình ổn giá xăng dầu, giá điện để chia sẻ khó khăn, trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm mạnh.

Theo ông Bùi Đình Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Dong, huyện Cư Jút chia sẻ, mực nước ngầm giảm mạnh đang gây nhiều khó khăn cho nông dân cũng như ngành nông nghiệp địa phương.

Tình trạng này xảy ra sau nhiều năm nông dân tập trung phát triển ồ ạt các loại cây trồng cần nhiều nước vào mùa nắng như tiêu, cà phê. Hiện  hầu hết các giếng khoan trên địa bàn xã Nam Dong đều hụt nước. Đa số các hộ dân phải khoan thêm hoặc khoan giếng mới. Trên địa bàn xã, có hộ dân đã khoan từ 10 - 12 giếng mới có đủ nước tưới cho cây trồng.

Thêm khó khăn nữa là giá nông sản liên tục giảm và hiện đang ở mức thấp (tiêu khoảng 45.000 đồng/kg, cà phê khoảng 33.000 đồng/kg) nên nông dân gặp nhiều khó khăn trong tái đầu tư. Hơn nữa, tình trạng phát triển ồ ạt hồ tiêu tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước tưới đang khiến việc chống hạn cho loại cây này gặp khó, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.

Một số nơi tại Đắk Lắk, nông dân cũng đang vất vả chống hạn. Cả tháng nay, hộ ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn 2, xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo cũng đang oằn lưng để chống hạn để cứu hơn 2.000 trụ tiêu đang héo quắt vì nắng nóng.

Không đủ nguồn nước tưới, ông Sơn phải bỏ đi khoảng 700 trụ không chăm sóc. Để cứu vườn cây, ngoài việc chắt chiu nguồn nước, tưới tiết kiệm, ông còn mua rơm về phủ vào gốc để hạn chế việc bốc hơi. Thế nhưng đây cũng chỉ là giải pháp thức thời.

Ông Sơn đã phải lấy hết số tiền 140 triệu bán tiêu vụ vừa rồi để thuê đào hồ rộng 1 sào sâu hơn 12 m. Thu bao nhiêu đã chi hết lại hết, sức cũng cạn kiệt, giờ ông chỉ mong mưa sớm cho dân đỡ khổ.

Theo thống kê, đến ngày 18/3, tỉnh Đắk Lắk đã có khoảng 500 ha cây trồng bị hạn, chủ yếu diện tích cây ngắn ngày sản xuất ngoài kế hoạch ở huyện Krông Bông, Ea Ka, Krông Pắk.

Sông suối, ao hồ cạn kiệt

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích cây hồ tiêu ở Đắk Lắk bị rụng lá, chết cành do thiếu nước. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Tây Nguyên đang bước vào đỉnh điểm của mùa khô. Nắng nóng kéo dài đã làm cho mực nước ở các sông suối, ao hồ giảm mạnh, thậm chí phơi đáy.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Đến cuối năm 2018, các hồ chứa cơ bản đạt cao trình mực nước thiết kế.

Tuy nhiên, hiện nay mực nước tại các hồ chứa phổ biến còn khoảng 35-40% so với dung tích thiết kế. Các hồ lớn có nguồn nước ổn định dung tích còn khoảng 60 - 70%; các hồ nhỏ chủ yếu gần đến mực nước chết) và 31 hồ đã cạn khô.

Tại tỉnh Đắk Nông, mực nước các hồ đập thủy lợi trên địa bàn đang giảm mạnh từng ngày sau nhiều tháng liền trời không mưa và nông dân đang tổng lực bơm nước tưới cho cây trồng. Các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô là 3 địa phương nắng hạn gay gắt nhất cả tỉnh. Tỉnh có 201/236 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường. Dòng chảy tại các sông suối giảm mạnh, nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt.

Dự báo của Chi cục Thủy lợi Đắk Nông, cuối tháng 3 đầu tháng 4, diện tích trồng có nguy cơ thiếu nước tưới ven các công trình thủy lợi gần 9.000 ha; trong đó, hơn 7.000 ha đã có biện pháp, giải pháp chống hạn, phần còn lại không có nguồn bổ sung.

Tỉnh Gia Lai, so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy trên các sông trong 2 tháng đầu năm 2019 ở mức thấp hơn từ 5 - 15%; riêng các sông ở phía Tây và trung tâm tỉnh ở mức thấp hơn từ 50 - 60%. Mực nước ở một số hồ chứa thủy lợi và các hồ thủy điện ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 - 4m, cá biệt hồ Kanak (thuộc công trình thủy điện An Khê - Kanak) thấp hơn 22,2m (đạt khoảng 10% dung tích thiết kế)…

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng mưa trong mùa khô khu vực Tây Nguyên rất thấp, trung bình năm ngoái từ tháng 1- 4 chỉ đạt khoảng 130 mm (tương đương 35 mm/tháng).

Thực tế lượng mưa từ tháng 1/2019 đến nay phổ biến dưới 30 mm, thấp hơn trung bình năm ngoái khoảng 15%, cá biệt có những nơi không mưa hoặc mưa không đáng kể như Đắk Tô (Kon Tum), Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Theo dự báo, thời gian còn lại của mùa khô (tháng 3, 4), lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình năm ngoái từ 30 - 70%, mùa mưa khả năng bắt đầu từ tháng 5; nền nhiệt phổ biến cao hơn trung bình năm ngoái cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0 độ C. Khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở cuối mùa khô, với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 30.000 ha.

Nhiều giải pháp thích ứng

Để ứng phó với tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt và dự báo sẽ còn tiếp diễn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất của người dân, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, vụ Đông Xuân 2018 -2019, Đắk Lắk có khoảng 252.000 ha cây trồng các loại cần tưới nước; trong đó, khoảng 144.500 ha được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi và 107.500 ha được tưới từ nguồn nước sông, suối, nước ngầm.

Đắk Lắk chủ động tập trung vào một số giải pháp cơ bản như: cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất cây ngắn ngày phù hợp, đặc biệt giảm diện tích lúa nước; dừng sản xuất đối với diện tích không đảm bảo đủ nước tưới đến khi thu hoạch; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời vụ phù hợp.

Tỉnh cũng tăng cường quản lý nguồn nước, điều tiết cấp nước tưới luân phiên; khuyến khích áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; lập kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên như: nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, …

Theo ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, tỉnh này đã triển khai bơm chuyển nước từ các hồ chứa để phục vụ chống hạn.

Ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm và lấy nước cho cây trồng theo kế hoạch. Việc chuyển đổi sang các loại cây có khả năng chịu hạn, cả đối với cây ngắn ngày như ngô, khoai, rau màu, lẫn cây dài ngày cũng đã được khuyến cáo liên tục nhiều năm nay.

Còn ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai chia sẻ, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các nhà máy thủy điện vận hành công trình theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt, xây dựng kế hoạch xả nước phục vụ chống hạn ở khu vực hạ du.

Bài 2: Phát triển hệ thống thủy lợi 

Nhóm phóng viên các CQTT Tây Nguyên (TTXVN)
Khô hạn diện rộng, nguy cơ cháy hàng ngàn hécta rừng Cà Mau
Khô hạn diện rộng, nguy cơ cháy hàng ngàn hécta rừng Cà Mau

Từ đầu năm 2019 đến nay, nắng nóng gay gắt cùng với gió mạnh xảy ra trong nhiều ngày liên tiếp đã đặt gần 40.000 ha rừng ở U Minh Hạ và khu vực xung quanh đối mặt với tình trạng khô hạn diễn ra nhanh trên diện rộng, có nguy cơ cháy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN