Ứng phó với “căn bệnh” ATM quá tải

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm câu chuyện ATM lại “nóng”, đặc biệt là tại các khu công nghiệp nơi có lượng công nhân lớn.

Công nhân ồ ạt rút tiền tại một thời điểm khiến các cây ATM “trở tay” không kịp dẫn đến quá tải. Năm nào ngành ngân hàng cũng nỗ lực để khắc phục “căn bệnh” này nhưng dường như chưa thể giải quyết triệt để.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, do cuối năm là dịp nhiều doành nghiệp trả lương cho công nhân, dồn vào một thời điểm và điều này hết sức khó cho các ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận, trao đổi xây dựng kế hoạch cụ thể với các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn, để có kế hoạch chi trả hợp lý.

Khách hàng rút tiền tại một điểm giao dịch ATM trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại công văn số 85/NHNN-TTGSNH về việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán 2016, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế trước và sau Tết Nguyên đán, đảm bảo hệ thống máy ATM hoạt động an toàn, thông suốt; cung ứng kịp thời, đầy đủ các dịch vụ tiền mặt thanh toán, tài chính phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu và đảm bảo dịch vụ ngoại hối phục vụ khách hàng.

Ông Thân Văn Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang cho hay, tỉnh Bắc Giang hiện nay có 137 máy ATM, 414.300 thẻ, các máy đều hoạt động tốt, đảm bảo nhu cầu rút tiền của khách hàng. Để các máy hoạt động thông suốt, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường dịch vụ máy ATM; thường xuyên giám sát tồn quỹ máy ATM để bổ sung kịp thời, đủ cơ cấu, mệnh giá, loại tiền, đảm bảo việc người dân rút tiền trong dịp Tết, đặc biệt là trong thời điểm dịp Tết không bị ách tắc; đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo vệ máy ATM.

Ngoài việc chuẩn bị tốt hệ thống các máy ATM, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Giang cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tại tỉnh tổ chức các hình thức thanh toán, chi trả linh hoạt. Cụ thể, hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt, thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp, tránh tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi hoặc tập trung quá đông người cần rút tiền tại các điểm máy ATM dẫn đến tình trạng quá tải.

Còn ông Nguyễn Quang Lý, Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) Chi nhánh Bắc Giang chia sẻ, thực sự, những ngày cuối năm đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán ngân hàng chịu áp lực rất lớn trong việc chi trả tiền mặt qua hệ thống ATM, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Trong năm 2016 này, Vietcombank có phương án để xử lý khắc phục khó khăn với 2 biện pháp chính. Đó là với những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, chi trả thưởng nhiều, ngân hàng sẽ làm việc với lãnh đạo công ty, hỗ trợ họ bằng cách đưa nhân sự cũng như xe chuyên dụng đến chi trả tiền mặt tại chỗ, tại doanh nghiệp cho công nhân để giảm áp lực tại các máy ATM trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo, Vietcombank cũng sẽ tăng lượng tiền, bộ phận kỹ thuật cũng như bộ phận máy ATM để đảm bảo hệ thống ATM chạy thông suốt phục vụ khách hàng.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cũng cho hay, ngân hàng thành lập Ban quản lý máy ATM từ lâu, đảm bảo tất cả các máy hoạt động 24/24, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Mỗi ngày kiểm tra 2-3 lần, máy nào hết tiền phải tổ chức nạp tiền luôn, không để máy hết tiền, trừ trường hợp máy hỏng đột xuất thì phải sửa ngay. Ngân hàng đã ký kết bảo trì với FPT để bảo hành máy hàng năm, hỏng trong vòng mấy tiếng phải có người sửa ngay.à “Chúng tôi yêu cầu Ban Quản lý ATM lúc nào báo có sự cố thì sẽ có mặt giải quyết ngay, đảm bảo nhu cầu về tiền cho người dân rút tiền trên máy, đồng thời bố trí các ngày nghỉ đều có người trực, tránh trường hợp mọi năm lượng người đến rút nhiều quá, thì phải dồn vào các phòng giao dịch chi cả tiền mặt trực tiếp, đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu của khách hàng”, ông Dũng nói.

Ông Trương Anh Dũng cũng cho biết thêm, những ngày đông, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ, nhưng các phòng giao dịch các chi nhánh, kể cả ở huyện vẫn mở cửa để người dân có nhu cầu khi ATM quá tải có thể trực tiếp rút tại quầy giao dịch. Ngân hàng không chi trả trực tiếp tại các khu công nghiệp mà chỉ chi trả qua các phòng giao dịch, cùng hệ thống ngân hàng không mất phí, nhưng khác hệ thống ngân hàng thì phí 1.000 đồng một lần rút.

Theo nhiều chuyên gia dù các ngân hàng đã chuẩn bị khá kỹ nhưng không thể tránh khỏi tình trạng quá tải, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Cuối năm để giữ chân công nhân, đa số các doanh nghiệp đều trả lương, thưởng vào dịp cận Tết. Do đó, nhu cầu rút tiền cùng một thời điểm của hàng nghìn công nhân là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải ATM.
Một trong những giải pháp hữu hiệu được nhiều chuyên gia cũng như nhà quản lý đưa ra là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, ông Thân Văn Minh cho rằng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn gặp nhiều khó khăn, cụ thể chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán phát triển và phân bổ chưa đồng đều, tập trung chủ yếu tại thành phố. Số lượng còn lại được bố trí rải rác ở trung tâm huyện, thị trấn, các cụm công nghiệp địa bàn huyện. Cùng với đó, thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của đại bộ phận người dân còn phổ biến.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Lại mối lo an toàn thực phẩm dịp Tết
Lại mối lo an toàn thực phẩm dịp Tết

Sức tiêu thụ sản phẩm dịp Tết đang tăng cao, nếu không kiểm tra và kiểm soát kịp thời, nguy cơ thực phẩm "bẩn" vào Thành phố và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN