Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài 1

Kể từ tháng 6/2014 tới nay, giá dầu đã giảm tới 70%, không chỉ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam mà còn đặt ra bài toán khó cho nguồn thu ngân sách.

NGÀNH DẦU KHÍ LAO ĐAO

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) từ khai thác đến dịch vụ, đều phải lên kế hoạch đóng, giảm chi phí và lao động mỏ; Các dự án đầu tư dài hạn bị giãn tiến độ và dừng khiển khai.

Cắt giảm khai thác

Giá dầu giảm thấp kéo dài khiến lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí gặp khó khăn. Trong lĩnh vực khai thác, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là DN lớn có nhiều lợi thế, nhưng từ 2015 cũng không thoát khỏi tình cảnh chung. Giá dầu trong kế hoạch của Vietsovpetro năm 2015 xoay quanh mức 75 USD/thùng, nhưng giá thực tế trung bình cả năm chỉ 56 USD/thùng. Chính vì vậy, ông Từ Thành Nghĩa, Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết, DN đã phải cắt giảm 400 lao động và cho hàng trăm nhân viên nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, DN cũng giảm mạnh các chi phí hoạt động, giải thể một số đơn vị thành viên. Thậm chí, liên doanh này còn có kế hoạch cắt giảm đến 2.000 nhân viên trong thời gian tới.

Giàn khoan tự nâng 90 m nước Tam Đảo 03 là công trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước đặt tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Năm nay, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro dự kiến giá dầu ở mức 55 USD/thùng, khai thác 5 triệu tấn và doanh thu trên 2 tỷ USD. Nhưng, hiện giá dầu giảm chỉ còn hơn 30 USD/thùng, dẫn tới nguy cơ doanh thu giảm mạnh. Thậm chí, “nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp nữa thì phải chấp nhận việc đóng giếng, đóng mỏ vì nếu không thì càng làm sẽ càng lỗ”, ông Từ Thành Nghĩa nhấn mạnh.

Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, nhiều dự án tìm kiếm thăm dò hiện đã phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ, do chi phí cao trong khi giá thành phẩm sụt giảm. Vấn đề là thăm dò là để gia tăng trữ lượng dầu khí, việc dừng thăm dò sẽ dẫn tới rủi ro trong tương lai bởi không có hàng để bán khi giá dầu tăng trở lại.

Do các DN thăm dò, khai thác gặp nhiều khó khăn, không cân đối được vốn để đầu tư tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ nên lĩnh vực dịch vụ dầu khí cũng bị tác động mạnh. Theo PVN, giá dầu hơn 30 USD/thùng như hiện nay mà kéo dài thì lĩnh vực dịch vụ sẽ giảm 40 - 45% khối lượng công việc. Các dự án dự kiến sẽ, hoặc đang triển khai, sẽ phải xem xét lại. Các giàn khoan và tàu dịch vụ có nguy cơ thiếu việc làm. Lĩnh vực cơ khí dầu khí cũng chịu ảnh hưởng do nhu cầu giàn khoan đóng mới giảm.

Làm rõ hơn về sức ép đối với ngành dịch vụ dầu khí, Tổng Giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng than thở: “Để làm được ra 100 đồng doanh thu thì chi phí của chúng tôi có khi đã lên tới 99 đồng rồi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm việc dù có lỗ. Bởi nếu làm thì chỉ lỗ 15 đồng, còn dừng hoạt động thì lỗ tới 50 đồng”.

Nhà đầu tư không mặn mà

Giá dầu giảm còn ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư của ngành dầu khí, nhiều dự án đầu tư đã và đang giãn tiến độ, dừng khiển khai... Tính đến hết năm 2015, ngoài dự án lọc hóa dầu tại Cần Thơ triển khai đúng tiến độ, 5 dự án còn lại là dự án lọc dầu tại Nghi Sơn; dự án tại Vũng Rô (Phú Yên); dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa); dự án Nhơn Hội (Bình Định) và dự án Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang triển khai đều bị chậm tiến độ cũng như phải hoãn và giãn tiến độ. Thậm chí có dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép. Điển hình, là dự án Nhơn Hội. Do giá xăng dầu giảm mạnh, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã đề nghị tỉnh Bình Định cho phép giãn thêm 6 tháng để đánh giá lại toàn bộ dự án trong tình hình giá dầu thế giới liên tục lao dốc thời gian qua. Bên cạnh đó, từ ngày 11/1/2016, Công ty Dầu khí Gazprom Neft của Nga đã chính thức thông báo sẽ không mua 49% cổ phần trong Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (B) và không đầu tư vào dự án nâng cấp và mở rộng nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất theo dự kiến.

Theo dự báo, giá dầu còn có xu hướng duy trì ở mức thấp trong thời gian dài nên việc ứng phó của ngành dầu khí sẽ rất khó khăn, đặc biệt chiến lược phát triển dài hạn của ngành dầu khí có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Theo tính toán của PVN, nếu giá dầu xuất bán trên 45 USD/thùng thì khai thác dầu tại các mỏ sẽ đạt hiệu quả. Còn bán dưới mức giá này thì một số mỏ khai thác của tập đoàn sẽ gặp khó khăn. Mỗi thùng dầu mất giá 1 USD thì doanh thu toàn tập đoàn giảm 5.400 tỉ đồng. Còn theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá dầu thô giảm 1 USD thì ngân sách sẽ bị giảm thu từ 1.400 - 1.500 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) Ngô Hữu Hải nhận định: Nếu chúng ta đóng mỏ thì các đơn vị dầu khí nước ngoài họ hoan hô, còn Việt Nam chúng ta thì lại không có nguồn thuế. Hơn nữa nếu đóng mỏ, lấy đâu ra khí chạy các nhà máy điện, sản xuất phân urê; một loạt các nhà máy chế biến khác cũng đóng cửa… nên ảnh hưởng tiêu cực là khó tránh khỏi.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn đề xuất một số giải pháp để ngành dầu khí ứng phó với giá dầu giảm: Đối với giải pháp về nguồn vốn, tập đoàn sẽ duy trì kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm đến năm 2020, trước mắt cân đối dòng tiền, kế hoạch huy động vốn để kịp ứng phó trước diễn biến giá dầu đang ở mức thấp. Bên cạnh đó, tiết kiệm tối đa phí đầu tư các dự án, công trình, rà soát hoạt động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. PVN cũng chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả, áp dụng phương thức quản trị theo chuẩn mực quốc tế.

Xem Bài cuối: Giải bài toán cân đối ngân sách
Thu Hường
Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài cuối
Ứng phó thách thức giá dầu giảm - Bài cuối

Theo dự toán ngân sách năm 2016, nguồn thu từ dầu thô sẽ giảm 7.900 tỉ đồng và chỉ chiếm 5,4% tổng thu dự toán ngân sách. Tuy nhiên, đây là dự toán dựa trên kịch bản giá dầu là 60 USD/thùng. Theo VEPR, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng, ngân sách sẽ bị giảm hơn 40.000 tỉ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN