Để giúp người dân sản xuất chè trên địa bàn chủ động nước tưới, hạn chế sâu bệnh, giảm công lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình tưới chè bằng van xoay”.
Hiện nay, hầu hết người trồng chè vẫn dùng phương pháp tưới bằng hệ thống máy bơm trực tiếp, gây lãng phí nước, xói mòn đất, năng suất, chất lượng và hiệu quả không cao. Dự án xây dựng mô hình tưới chè bằng van xoay đã giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới trong sản xuất chè, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp tưới chè bằng van xoay người dân có thể kết hợp phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân vi sinh dạng lỏng, từ đó tăng khả năng hấp thụ cho cây chè do phân được hòa tan, ngấm ngay xuống đất.
Phương pháp tưới chè bằng van xoay sử dụng kỹ thuật tưới phun mưa là kỹ thuật đưa nước tới cây trồng dưới dạng mưa nhân tạo nhờ các thiết bị tạo dòng phun mưa (tia mưa). Phương pháp này ngày càng được phổ biến và áp dụng rộng rãi, nhất là tại các nước có nền công nghiệp phát triển.
Sau một năm thử nghiệm trên 10 ha chè tại 2 xã Phú Lạc và Tiên Hội (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), phương pháp tưới chè bằng công nghệ van xoay đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ cho biết: Mô hình tưới chè bằng van xoay đã mang lại hiệu quả cao, nhất là đối với những nơi khan hiếm nước, hạn chế tổn thất nước do bốc hơi, phù hợp với sự tăng trưởng của cây trồng, không làm xói mòn đất. So với sử dụng phương pháp tưới truyền thống, phương pháp tưới bằng van xoay chỉ sử dụng lượng nước bằng 1/4, thời gian tưới giảm 2/3, đảm bảo độ ẩm tương đương nhau, chủ động nước tưới theo đúng thời vụ và yêu cầu của cây chè.
Nhờ áp dụng thành công mô hình tưới chè bằng van xoay, năng suất sản phẩm đã tăng thêm 40 kg/ha. Trên cùng một đơn vị diện tích nếu tưới chè bằng van xoay thì thu nhập cao hơn phương pháp thủ công là 9.934.000 đồng/ha/năm.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang nhân rộng mô hình tại huyện Phú Lương với diện tích 5 ha chè, thuộc xóm Quyết Thắng, xã Tức Tranh. Dự án sẽ triển khai thực hiện trong vòng 12 tháng, với tổng vốn đầu tư trên 400 triệu đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước trên 200 triệu đồng.
Lan Anh