Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Hằng năm, toàn vùng sản xuất hơn 55% sản lượng lúa hàng hóa, 69% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước và đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Tuy vậy, những con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng nông nghiệp của vùng. Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng không đều, thị trường không ổn định, đầu ra bấp bênh. Nhiều sản phẩm xuất bán vẫn nằm ở dạng thô khiến giá trị không cao. Thêm vào đó, nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những khó khăn, thách thức, nổi bật là hai thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế. Điển hình là hiện tượng hạn hán, lũ lụt và xâm ngập mặn diễn ra trong thời gian qua gây trở ngại lớn cho quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế lại đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản. Trước bối cảnh trên, ông Trần Văn Tùng cho rằng, ngoài việc tìm các giải pháp nhằm giảm tác động biến đổi khí hậu, đề xuất các chương trình, chính sách tái cơ cấu ngành… thì việc ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Khoa học và công nghệ được ứng dụng thông qua việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiến đến nền nông nghiệp bền vững.
Thu hoạch lúa mùa tại xã Long Chữ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Bàn về các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Nguyễn Bảo Vệ, Nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là truyền thông nhằm thay đổi tư duy của nông dân. Ngày nay không còn quan niệm không biết làm nghề gì mới chọn nghề nông, mà nông dân phải là người làm chủ được máy móc nông nghiệp, biết ứng dụng khoa học trên đồng ruộng. Muốn được như vậy, nông dân cần phải chủ động nâng cao hiểu biết của mình bằng việc không ngừng học hỏi về kỹ thuật, về khoa học.
Tiếp đến là sự chung tay của các Viện, trường để cung cấp cho người dân những giống cây trái chất lượng cao, năng suất tốt. Ngày nay, bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chúng ta đã có rất nhiều giống cây trái mang nhiều tính năng vượt trội, được đưa vào sản xuất đại trà như: sầu riêng cơm vàng hạt lép, ổi không hạt, lúa cao sản… Các chuyên gia cũng cần hỗ trợ nông dân trong việc hoạch định vùng chuyên canh phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, cũng như liên kết sản xuất quy mô lớn, cùng xuống giống cùng thu hoạch. Điều này sẽ tránh được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giẫm chân nhau. Việc liên kết sản xuất còn giúp nhà nông có được sản lượng đầu ra ổn định, tránh bị tư thương ép giá, hoặc rơi vào cảnh được mùa mất giá - được giá mất mùa.
Mô hình canh tác quy mô lớn cũng giúp nông dân dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc cơ khí vào sản xuất từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, như: máy gieo sạ, máy phun xịt tự động, máy gặt đập liên hợp… Đại diện Tập đoàn Buhler, ông Manuel Murenhoff nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong khâu bảo quản sau thu hoạch. Theo đó, hiện nay nông dân chưa quan tâm đúng mức khâu như: phương tiện vận chuyển thô sơ khiến nông sản bị giập nhiều, nhiệt độ kho hàng bảo quản không thích hợp khiến rau quả dễ bị nấm bệnh xâm nhập... Những yếu tố trên khiến nông sản Việt Nam không đảm bảo chất lượng khi vận chuyển xa, trong thời gian dài. Tỷ lệ 8% thất thoát sau thu hoạch vẫn là con số quá lớn, cần phải giảm xuống dưới 6% bằng các giải pháp công nghệ.
Thu hoạch bằng máy móc, vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng, lưu trữ trong hệ thống kho bãi đạt chuẩn là những giải pháp cần tuân thủ. Ông Manuel Murenhoff cho rằng, việc đầu tư chuỗi máy móc hiện đại ấy là bài toán khó cho từng nông hộ, nhưng liên kết thành các hợp tác xã, câu lạc bộ…thì sẽ dễ dàng giải quyết. Ngoài ra, cũng có thể nghĩ đến giải pháp doanh nghiệp đầu tư xây dựng và cho nông dân thuê lại theo nhu cầu.
Tại Hội thảo, ông Manuel Murenhoff cũng đưa ra mô hình “Dữ liệu nông trường thông minh”, ở đó người nông dân chỉ thao tác trên hệ thống máy móc thay vì trực tiếp sản xuất. Cây trồng được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống máy. Các thông số về điều kiện môi trường sẽ được chuyển về trung tâm dữ liệu, nông dân chỉ cần bấm nút điều chỉnh hệ thống tưới tiêu, giàn che cho phù hợp, thông qua các thiết bị thông minh có kết nối internet như điện thoại, macbook…..