Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ở Thừa Thiên - Huế tăng tốc về đích, sau cả thập niên lỡ hẹn

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) có tổng mức đầu tư trên 770 tỷ đồng với chiều dài hơn 16 km, đã được khởi công từ năm 2011 nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có vướng giải phóng mặt bằng nên công trình phải kéo dài nhiều năm.

Chú thích ảnh
Thi công dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc. 

Đến nay, những nút thắt này đã được tháo gỡ, hiện nhà thầu đang tăng ca, tăng kíp để thi công, phấn đấu hoàn thành tuyến đường trọng điểm này vào cuối năm 2024.

Nút giao giữa tuyến đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc và Quốc lộ 1A được mở rộng ra hàng chục mét, sau khi nhiều hộ dân sinh sống hai bên ven đường đồng ý bàn giao mặt bằng từ đầu năm 2024. Các thiết bị thi công máy múc, máy ủi của nhà thầu đã được huy động tối đa làm việc liên tục trên công trường và đến cuối tháng 5/2024 đã hoàn thành thảm bê tông nhựa hai lớp, giúp giao thông thông thoáng, an toàn. Đây là một trong những điểm nghẽn quan trọng được chính quyền địa phương tháo gỡ để dự án tăng tốc về đích.

Theo UBND huyện Phong Điền, dự án xây dựng tuyến đường này đi qua 4 xã, thị trấn; trong đó, riêng đoạn tuyến từ thị trấn Phong Điền đến xã Phong Hiền có 98 hộ gia đình bị ảnh hưởng, có 31 hộ dân đã phải di dời tái định cư. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân, UBND huyện cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao mặt bằng một trường hợp nhằm đảm bảo tiến độ chung, không để dự án này kéo dài thêm thời gian.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phong Điền Trương Minh Phát cho biết, xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nơi sinh sống của các hộ dân. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị đã tập trung làm tốt công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc sử dụng đất để lập phương án bồi thường, xác định kế hoạch, triển khai từng hạng mục công việc cụ thể, kết hợp công tác dân vận chính quyền, trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân có nhiều ý kiến khác nhau về hỗ trợ tái định cư. Đến nay, công tác đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân, di dời hàng trăm lăng, mộ đã được hoàn thành để nhà thầu có mặt bằng sạch tiến hành thi công.

Chú thích ảnh
Thảm nhựa mặt đường đoạn giao với Quốc lộ 1A của Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc. 

Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiến độ chung của dự án hiện đạt khoảng70% khối lượng công việc, tiến độ giải ngân đạt 385/568 tỷ đồng nguồn vốn đã bố trí, chiếm tỷ lệ 67%. Nhà thầu đã hoàn thành đoạn tuyến từ Km1+500 – Km9+800. Trên toàn tuyến có 5 cây cầu, trong đó cầu Thiềm và cầu Bàu Bàng đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; cầu Hòa Xuân 1, Hòa Xuân 2 đã hoàn thành phần cầu; đối với cầu vượt đường sắt, sau khi hoàn thành đơn nguyên bên phải để cho các phương tiện  lưu thông, dự kiến giữa tháng 6/2024 sẽ thi công nhánh bên trái cầu vượt đường sắt .

Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cường cho biết, hiện nay sau khi có mặt bằng sạch, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu thi công lập lại kế hoạch chi tiết hoàn thành những hạng mục còn lại trước khi bước vào mùa mưa, triển khai bốn mũi thi công trên công trường, đáp ứng cơ bản tiến độ đề ra.

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc khi hoàn thiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ về an ninh quốc phòng mà còn mở rộng không gian phát triển đô thị cho huyện Phong Điền trong định hướng trở thành thị xã vào trước năm 2025. Theo kế hoạch, trong phương án mở rộng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đề xuất ngân sách Trung ương nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 9 dẫn lên cao tốc, đồng thời khớp nối với Quốc lộ 1A và đường cứu hộ, cứu nạn để xuống Cảng biển Điền Lộc đang được quy hoạch kêu gọi đầu tư, tạo hành lang phát triển kinh tế phía Bắc của địa phương.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Mỹ Tho
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Mỹ Tho

Cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT - đại diện chủ đầu tư) có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ (QL) 1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối tại Km16+660 của QL60, cách mố phía Bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71 km thuộc TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, hiện đã đạt tiến độ tổng thể hơn 26% khối lượng xây lắp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN