Cửa hàng thị lợn an toàn của Công ty Cổ phần CP Việt Nam. Ảnh: Lê Đức Hoảnh /TTXVN |
Việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn là một trong những giải pháp tiên phong trong việc xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng mặt hàng thịt lợn từ "trang trại đến bàn ăn". Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đặc biệt là diễn biến của ngành chăn nuôi lợn trong thời gian vừa qua rất nhiều tín hiệu bất ổn và phát triển thiếu bền vững.
Lúng túng giải pháp hỗ trợKhi được hỏi về Đề án này của Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết những người nuôi đều cho rằng, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng và các cơ sở chăn nuôi đều ủng hộ. Tuy vậy, để thực hiện điều này, người nuôi cần được sự hướng dẫn cụ thể và những hỗ trợ thiết thực hơn từ phía cơ quan chức năng.
Đại diện sở ngành ở một số địa phương khu vực phía Nam tham gia Đề án cũng cho rằng, việc đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc cho lợn, ngoài làm tăng chi phí đầu vào trong hoàn cảnh người chăn nuôi đang lỗ, thì lực lượng thú y địa phương cũng không đủ để thực hiện và kiểm tra, giám sát quy trình này. Ngoài ra, còn phải tính đến vấn đề nếu các trại đồng loạt xuất lợn sẽ dẫn đến tình trạng không đủ người để đi đeo vòng cho lợn; hoặc đối với những trang trại ở xa hay hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với số lượng ít là rất khó khăn.
Tham gia Đề án này, các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực vận động nông dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, cho rằng, để triển khai Đề án hiệu quả và bền vững, cần có sự phối hợp theo lộ trình cụ thể; trong đó có những cam kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thì người nông dân mới mạnh dạn đầu tư sản xuất theo quy trình. Song song đó, người chăn nuôi hiện đang rất thiếu thông tin thị trường, nên cần có giải pháp định hướng thị trường, không chỉ tại Tp. Hồ Chí Minh mà còn thị trường cả nước và xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cho hay: "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" triển khai trong giai đoạn ngành chăn nuôi khó khăn và người chăn nuôi đang cắt giảm chi phí. Nếu tham gia Đề án, người chăn nuôi phải kết nối internet, sử dụng 3G ở những vùng nông thôn, đầu tư nhân lực, mua vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn với giá 3.000 đồng/cái... dẫn đến tâm lý lo ngại tăng chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh.
Cần có chế tài mạnh
"Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" của Tp. Hồ Chí Minh đảm bảo những yếu tố cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thế nhưng, trong bối cảnh ngành chăn nuôi lợn vẫn còn ở giai đoạn khủng hoảng và phát triển thiếu bền vững, việc người nuôi, thương lái chưa “mặn mà” với Đề án là điều dễ hiểu và cần những biện pháp tháo gỡ kịp thời, quyết liệt hơn.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, một trong những vướng mắc lớn nhất của Đề án là khó xử lý các vi phạm. Do vậy, UBND và Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh có thể xem xét xin Chính phủ và Bộ ngành có cơ chế riêng để xử lý những vi phạm liên quan đến vấn đề này.
Bà Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ hiện nay tỉnh Long An rất ủng hộ Đề án này của Thành phố. Nhưng do quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, ít khả thi nên các địa phương vẫn đang chờ Tp. Hồ Chí Minh có những giải pháp cụ thể hơn để thực hiện Đề án.
Đánh giá về các công cụ quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho rằng việc quản lý tem TE-FOOD trên sản phẩm khi đưa ra thị trường bán buôn còn khá lỏng lẻo và chưa đồng bộ. Đặc biệt, "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" của Tp. Hồ Chí Minh chưa có cơ chế chế tài hay cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng xử lý các hành vi vi phạm.
Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất và tiên phong thực hiện quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn cũng như nhiều loại thực phẩm khác. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh nhận định: Thách thức lớn nhất cần vượt qua để gỡ "nút thắt" cho Đề án này của thành phố là phải liên kết được các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng trong Đề án. Vì đây là quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất chặt chẽ, đòi hỏi các chủ thể tham gia phải cung cấp và đồng bộ thông tin thì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng mới kích hoạt được.
"Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" của Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên các cơ sở pháp lý cụ thể và đã quy định trong các Luật hiện hành của Việt Nam. Điển hình, trong Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có quy định cho phép UBND các tỉnh, thành phố được ban hành một số tiêu chuẩn và điều kiện phù hợp địa phương mình. Đồng thời, theo pháp luật tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường phải có nhãn mác hàng hóa.
Bên cạnh đó, việc truy suất nguồn gốc hàng hóa là xu thế của thế giới, hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sản xuất kinh doanh hàng hóa đảm bảo thông tin truy suất nguồn gốc rất tốt, nhưng hàng hóa phục vụ thị trường nội địa thì "lơ là" về vấn đề này. "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" của Tp. Hồ Chí Minh không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa nội địa, mà từng bước giúp hàng hóa thương hiệu Việt vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Để tháo gỡ những khó khăn và thực hiện giải pháp mạnh mẽ hơn, đảm bảo triển khai Đề án này hiệu quả, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố có văn bản đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y và các cơ quan liên quan hỗ trợ rà soát, nhắc nhở các hộ gia đình, cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi và các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn tham gia và thực hiện đúng các quy trình của Đề án khi bán lợn vào thành phố. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, kích hoạt vòng niêm phong xe có đầy đủ thông tin truy xuất khi vận chuyển lợn vào TP Hồ Chí Minh.
Trước mắt, dự kiến kể từ ngày 8/8, các sở ngành Tp. Hồ Chí Minh sẽ siết chặt công tác quản lý đối với nguồn lợn không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc nhập vào thị trường thành phố tiêu thụ. Mặt khác, tuyên truyền, vận động người dân thành phố hưởng ứng ưu tiên sử dụng nguồn thịt lợn có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc.