Căn cứ dữ liệu đặt chỗ tàu chở dầu mà Vortexa - công ty chuyên về phân tích thị trường có được, trong tháng 9 tới, dự kiến khoảng 14 triệu thùng dầu, tương đương với công suất chuyên chở của 7 siêu tàu chở dầu, sẽ được xuất đi từ Mỹ và điểm đến là Trung Quốc. Lượng dầu này nếu được giao đúng hạn sẽ lớn gấp đôi sản lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ trong tháng 8.
Theo Bloomberg, đà bùng nổ đặt trước tàu chở dầu diễn ra trước thời điểm hai nước rà soát thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà theo đó Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, nhất là mặt hàng năng lượng.
Cuộc rà soát này ban đầu dự kiến được tổ chức vào ngày 15/8 theo hình thức trực tuyến, nhưng đã bị hoãn. Nguyên nhân là do Mỹ muốn có thêm thời gian để Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa - truyền thông Mỹ hồi tuần trước đưa tin.
Căn cứ vào số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, giá trị hàng hóa nhập khẩu của nước này từ Mỹ trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 23% so với mục tiêu được đề ra cho năm 2020 theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã tăng cường công suất hoạt động khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước ra khỏi khủng hoảng dịch COVID-19.
Theo số liệu từ phía Trung Quốc, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, nước này nhập khẩu 4,2 triệu thùng dầu của Mỹ (tương đương 568.500 tấn). Còn bốn tháng đầu năm 2020, con số này là 0, do căng thẳng giữa hai bên liên quan đến thương mại và đại dịch COVID-19.
Giới phân tích cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ mua dầu từ Mỹ có thể do nhiều nguyên nhân. Hoạt động kinh tế hồi phục tại Trung Quốc kích thích nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đầu vào. Tuy nhiên, theo Serena Huang, chuyên gia phân tích cao cấp tại Vortexa, xu hướng này chủ yếu mang động cơ chính trị. “Trung Quốc vẫn đang ngồi trên kho dự trữ dầu lớn, còn giá dầu thô của Mỹ cũng không rẻ như dầu của các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Đông”, bà Huang bình luận.
Hai tập đoàn chuyên lọc dầu nặng là PetroChina và Sinopec chiếm hơn 40% lượng đặt chỗ siêu tàu chở dầu của Trung Quốc trong tháng 9, với các chuyến hàng rời cảng vào ngày 17/8. Những hãng dầu của Mỹ được hưởng lợi trong đợt này gồm có Occidental, Equinor và Vitol.
Các loại dầu như WTI Midland và WTI Mars nằm trong số chủng loại dầu của Mỹ được Trung Quốc đặt mua. Nhưng dầu này không rẻ hơn dầu sản xuất từ các khu vực khác trên thế giới.
Trung Quốc nổi lên là đối tác nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Mỹ, với giá trị nhập khẩu năm 2018 đạt 5,42 tỉ USD. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn thứ hai của Mỹ về sản phẩm khí hóa lỏng (LNG).
Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc cam kết mua các sản phẩm năng lượng của Mỹ (dầu mỏ, LNG, than đá) trong năm 2020 cao hơn 18,5 tỉ USD so với giá trị tại thời điểm cuối năm 2017. Điều đó đồng nghĩa tổng nhập khẩu năng lượng năm 2020 phải đạt khoảng 25 tỉ USD. Nhưng đến ngày 30/6, lượng mua hàng của Trung Quốc mới đạt 2,06 tỉ USD.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, những đơn nhập khẩu mới này là để chứng minh Bắc Kinh vẫn hướng đến mục tiêu đề ra về điều khoản mua hàng trong thỏa thuận thương mại. Có lẽ Trung Quốc e ngại thất bại trong điều khoản mua hàng ở thời điểm chỉ còn ít tháng nữa diễn ra bầu cử tổng thống tại Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ đẩy chính quyền của ông Donald Trump xé bỏ thỏa thuận và gia tăng nỗ lực phân tách hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Về phần mình, Mỹ vẫn coi thỏa thuận thương mại giai đoạn một là mặt tích cực hiếm hoi còn lại trong tổng thể mối quan hệ song phương gia tăng bất đồng thời gian gần đây.
Xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News ngày 17/8, ông Trump tỏ ý khen ngợi Trung Quốc đã có nỗ lực tăng cường mua nông sản của Mỹ như thịt bò, đậu tương, ngô. Ít giờ sau đó, cố vấn thương mại Peter Navarro khẳng định thỏa thuận thương mại giai đoạn một vẫn đang đi đúng hướng.