Quang cảnh Legoland Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là công viên giải trí mới nhất khai trương tại Trung Quốc với tên tuổi của một thương hiệu phương Tây. Harry Potter của Warner Brothers và Peppa Pig của Hasbro cũng dự kiến sớm ra mắt.
Theo BBC (Anh), do tình trạng chi tiêu tiêu dùng vẫn còn trì trệ, Bắc Kinh hy vọng những điểm tham quan lớn như Legoland sẽ thu hút du khách từ cả Trung Quốc và nước ngoài, phần nào tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nguồn đầu tư từ chính quyền địa phương đang trở thành “nam châm” hút các nhà nhà phát triển công viên giải trí. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường cạnh tranh cao do những tên tuổi lớn như Disney và Universal Studios thống trị.
Legoland Thượng Hải trị giá 550 triệu USD là công viên lớn nhất do Merlin Entertainments (Anh) - công ty mẹ của Lego điều hành.
Với tổng diện tích 318.000 m², Legoland Thượng Hải là khu resort Legoland thứ 11 trên thế giới, đồng thời là công viên Legoland lớn nhất tính đến nay.
Hướng tới nhóm khách hàng chính là trẻ em từ 2 - 12 tuổi và gia đình, Legoland Thượng Hải được chia thành 8 khu vực chủ đề đặc sắc như “Vùng đất Tưởng tượng Legoland” và “Lego Vua Khỉ”…, với hơn 75 trò chơi tương tác, chương trình biểu diễn và điểm tham quan được đầu tư công phu.
Với tổng diện tích 318.000 m², Legoland Thượng Hải là khu resort legoland thứ 11 trên thế giới, đồng thời là công viên lego lớn nhất tính đến nay. Ảnh: THX/TTXVN
Legoland Thượng Hải được khai trương sau nhiều năm hợp tác giữa Merlin Entertainments và chính quyền địa phương. Họ hy vọng công viên sẽ thu hút cả người dân trong nước cũng như du khách nước ngoài. Trong buổi lễ khai trương Legoland Thượng Hải, một quan chức đã gọi đây là động lực cần thiết cho nền kinh tế địa phương bởi nó sẽ tạo ra việc làm và hỗ trợ các nhà bán lẻ.
Ông Xiaofeng Zeng, phó chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường Niko Partners, đánh giá Legoland và các công viên mang thương hiệu khác sẽ muốn tận dụng lượng người hâm mộ đông đảo bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là ở thị trường rộng lớn như Trung Quốc với 1,4 tỷ dân.
Ông Zeng bổ sung rằng các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn “mở hầu bao” hào phóng cho con cái họ, ngay cả khi chi tiêu tiêu dùng nói chung đang giảm.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa cũng là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà phát triển công viên. Du lịch là một trong những trọng tâm chính của kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất của Trung Quốc, với kế hoạch tăng thêm nhiều khu nghỉ dưỡng và công viên giải trí.
Nhà nghiên cứu Nandini Roy tại Future Market Insights cho biết, để khuyến khích đầu tư, Trung Quốc đang đưa ra các khoản giảm thuế và hỗ trợ khác để tài trợ cho các điểm tham quan mới. Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ công viên Legoland qua việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng và các tuyến đường lớn.
Sáng 5/7, trong không khí rộn ràng sắc màu, Legoland Thượng Hải của Trung Quốc đã chính thức mở cửa đón khách. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc cũng triển khai gói trợ cấp 570 triệu nhân dân tệ (80 triệu USD) qua phiếu mua hàng và các ưu đãi nhằm thúc đẩy du lịch trong nước.
Bà Nandini Roy đánh giá: "Những biện pháp này giúp giảm chi phí trực tiếp cho các gia đình phải và gián tiếp mang lại lợi ích cho các công viên nhờ lượng khách tham quan tăng cao”.
Nhà kinh tế học Gu Qingyang từ Đại học Quốc gia Singapore phân tích rằng các công viên giải trí giúp thu hút nhà đầu tư, khách du lịch đồng thời tạo ra việc làm.
Ngoài ra, ông Gu Qingyang cho rằng những thương hiệu nước ngoài như Lego cũng sẽ giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh cởi mở và hội nhập quốc tế hơn.
Mặc dù chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn còn chậm, ông Gu Qingyang cho rằng các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào triển vọng kinh tế của quốc gia rộng lớn này trong nhiều năm tới. Ông phân tích: "Điều quan trọng cần lưu ý là việc xây dựng một công viên giải trí quy mô lớn thường mất gần một thập niên, bởi vậy tầm nhìn dài hạn là cần thiết".