Người dân đi xe đạp điện trên một đường phố ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây không phải là chính sách đơn lẻ mà nằm trong hệ thống giải pháp toàn diện, bao gồm cả quy định pháp lý, trợ giá và xây dựng hạ tầng, giúp mang lại những bài học kinh nghiệm quý báu về quản lý đô thị bền vững.
Tính đến giữa năm 2025, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực phía Nam như Quảng Châu, Thâm Quyến, Quảng Tây và Vân Nam, đã áp dụng chính sách cấm xe máy và khuyến khích xe đạp điện.
Tại Quảng Châu, chính quyền thành phố thực hiện lộ trình 3 giai đoạn: cấm đăng ký xe máy mới, hạn chế lưu thông xe máy trong khu vực trung tâm và thu hồi toàn bộ xe máy cũ. Để người dân dễ dàng chuyển đổi, thành phố triển khai chương trình trợ giá hấp dẫn với mức hỗ trợ 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu VND) cho mỗi người mua xe đạp điện đạt chuẩn. Kết quả là đã có hơn 1,2 triệu người dân Quảng Châu chuyển sang sử dụng xe đạp điện tính đến tháng 6 vừa qua.
Các chính sách tương tự cũng được áp dụng tại các địa phương khác. Đơn cử như tại Vân Nam, chính quyền hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy sang xe đạp điện với gói hỗ trợ 800 NDT.
Thành công của chính sách chuyển đổi này phần lớn đến từ việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây là yếu tố quyết định then chốt để xe đạp điện có thể thay thế xe máy một cách hiệu quả. Cụ thể, Trung Quốc đã xây dựng hàng trăm nghìn trạm sạc công cộng tại các đô thị lớn. Đến đầu năm nay, cả nước đã có hơn 3 triệu trạm sạc cho xe điện hai bánh, được bố trí tại các khu dân cư, bãi đỗ xe thương mại, trường học và khu công nghiệp. Nhiều thành phố đã thiết kế lại mạng lưới giao thông, bổ sung làn đường riêng cho xe đạp điện nhằm đảm bảo an toàn và sự thuận tiện cho người đi lại. Các bãi đỗ xe tích hợp camera giám sát và cảm biến cũng đã được triển khai, giúp quản lý phương tiện hiệu quả hơn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thúc đẩy phát triển chuỗi cửa hàng bảo trì, đổi pin nhanh và sửa chữa chuyên dụng để giải quyết nỗi lo của người dùng về việc bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, các chính quyền cũng phối hợp với các công ty công nghệ như Meituan và HelloBike triển khai mô hình "chia sẻ xe đạp điện" với quy mô lớn, thu hút hàng triệu người dùng mỗi ngày tại Quảng Châu.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng không thiếu những khó khăn. Số vụ cháy liên quan đến xe điện tăng cao do sạc không đúng cách và sử dụng pin kém chất lượng. Tai nạn giao thông cũng gia tăng do người dùng không đội mũ bảo hiểm.
Để giải quyết, Trung Quốc đưa ra nhiều giải pháp như ban hành các tiêu chuẩn mới GB 42296–2022 và GB 42295–2022 về bộ sạc và hệ thống điện, yêu cầu pin phải đạt chuẩn chống cháy, cải thiện hạ tầng an toàn bằng việc xây dựng trạm sạc riêng biệt, cách xa khu dân cư và lắp đặt hệ thống cảm biến phòng cháy. Ngoài ra, Trung Quốc sử dụng camera có trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện và xử phạt các lỗi vi phạm như chạy quá tốc độ. Cùng với đó, Trung Quốc tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về an toàn giao thông và cách sạc điện đúng cách trên các phương tiện truyền thông.
Việc Trung Quốc chuyển đổi sang xe đạp điện không chỉ là giải pháp giảm ô nhiễm mà còn là một chiến lược quốc gia mang tính tổng thể. Với sự chỉ đạo thống nhất và sự tham gia của toàn xã hội, mô hình giao thông xanh này đang chứng minh hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho các đô thị muốn phát triển bền vững.