Đáng chú ý, tại cuộc họp này, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất triển khai thêm "luồng xanh" đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, đơn vị này đang khẩn trương nghiên cứu triển khai "luồng xanh" đường thủy để tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu giữa các tỉnh miền Nam và TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, sẽ tận dụng các tàu cao tốc du lịch đang tạm dừng hoạt động để cung ứng hàng hóa.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để thống nhất phương án và cấp phép hoạt động. Đây sẽ là giải pháp rất hiệu quả để tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của khu vực miền Nam, đảm bảo nhanh chóng, thông suốt, hạn chế tiếp xúc.
Báo cáo về tình hình giao thông tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ngày 16/7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh ngày 16/7 cơ bản thông thoáng, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Chỉ duy nhất tại chốt kiểm soát Quốc lộ 14 (điểm giáp ranh Bình Phước - Đắk Nông) có ùn tắc cục bộ theo hướng từ Đăk Nôngvề Bình Phước vào thời điểm 11h30 - 14h do lái xe không có giấy xét nghiệm (test nhanh) và tại chốt không có bố trí test nhanh nên xe phải quay đầu.
Tính đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam đều đã lập chốt kiểm soát dịch COVID-19. Tổng số 72 chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến quốc lộ đã được lập tại các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với đơn vị công nghệ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức vận hành phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" cho xe ô tô vận tải hàng hoá trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Dự kiến, từ ngày 19/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển khai áp dụng tại 63 Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiêp vận tải để thực hiện đăng ký và cấp trực tuyến giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách hoạt động trên các "luồng xanh".
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện một số địa phương chưa thực sự chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" trên địa bàn nên khi áp dụng giãn cách xã hội đã gây khó khăn, bị động trong việc điều tiết, tổ chức vận chuyển hàng hóa. Bốn trạm dừng nghỉ mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị tổ chức thí điểm trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang cũng chưa thể triển khai do chưa bố trí được phương án và lực lượng để lập chốt kiểm soát y tế tại trạm.
Trong bối cảnh đã có nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có thể mở rộng phạm vi áp dụng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương phải chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" hàng hóa của tỉnh để triển khai tổ chức giao thông ngay khi có yêu cầu giãn cách.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước phải khẩn trương phối hợp với các tỉnh lân cận chưa bùng phát dịch như Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận để tổ chức lập các chốt kiểm soát dịch giữa ranh giới các tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc di chuyển trái phép, vi phạm quy định về y tế dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Để hạn chế việc lưu thông gián đoạn do phương tiện phải dừng lại kiểm tra nhiều lần tại các chốt kiểm soát trên lộ trình di chuyển, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải chủ động làm việc ngay với các địa phương rà soát lại tất cả các chốt trên các "luồng xanh", để xem xét dỡ bỏ, giảm bớt các chốt trên "luồng xanh" quốc gia, theo hướng chỉ tổ chức các chốt trên các tuyến đường nội tỉnh. Xem xét phương án các phương tiện đã được cấp QR code và niêm yết trên kính xe được phép lưu thông mà không cần phải kiểm tra bắt buộc, có thể kiểm tra ngẫu nhiên. Nếu phát hiện doanh nghiệp, lái xe nào vi phạm các quy định về y tế như không có giấy xét nghiệm hoặc giấy xét nghiệm hết hiệu lực phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với phương án lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại các trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải làm việc với từng địa phương để thống nhất phương án lập trạm dừng nghỉ, cần thiết ban hành hướng dẫn tạm thời để quy định sẽ cung ứng dịch vụ thiết yếu nào cho lái xe phải đi kèm với phương án đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tương ứng; phải tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra sự chấp hành các quy định phòng chống dịch của các doanh nghiệp vận tải. Đến ngày 19/7, phải đưa vào phần mềm quản lý, điều hành, cấp thông hành để triển khai cho tất cả Sở Giao thông vận tải trên phạm vi cả nước.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải do một Thứ trưởng làm Trưởng Ban để chỉ đạo thống nhất việc vận tải hàng hóa ứng phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Người đứng đầu ngành giao thông vận tải hoàn toàn thống nhất phương án của TP Hồ Chí Minh về tổ chức thêm "luồng xanh" đường thủy để vận chuyển hàng hóa thực phẩm, rau củ quả, ưu tiên sử dụng các tàu cao tốc hiện đang không hoạt động. Bộ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải phối hợp, lập phương án và khẩn trương cấp phép hoạt động.