Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.

Bệnh viêm da nổi cục được phát hiện đầu tiên ở Hà Giang vào ngày 30/11/2020 tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Đến nay, Hà Giang đã xảy ra nhiều ổ dịch tại 40 xã trên địa bàn của 7 huyện gồm: Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ. Toàn tỉnh đã có 470 con trâu, bò của 334 hộ gia đình bị mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó đã tiêu hủy 32 con.

Là một trong những chợ gia súc lớn nhất của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, chợ Mèo Vạc trung bình mỗi phiên có hàng trăm con trâu, bò được mang đến để trao đổi mua bán, sau đó được các thương lái chở về xuôi. Do xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn, hiện nay việc mua bán, giết mổ trâu bò không còn diễn ra tại phiên chợ này nữa.

Theo ông Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cuối tháng 5 vừa qua, huyện Đồng Văn đã công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại thị trấn Đồng Văn và xã Ma Lé. Ổ dịch xuất hiện tại thị trấn Đồng Văn với số lượng 1 con và tại xã Ma Lé ổ dịch xuất hiện với số lượng 2 con. Tuy số lượng gia súc mắc bệnh chưa nhiều nhưng để chủ động ngăn chặn bệnh dịch, UBND huyện Đồng Văn đã chỉ đạo Trạm thú y huyện tăng cường bám địa bàn đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn chủ động triển khai phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi, đồng thời tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại 2 địa phương, UBND huyện cũng ra thông báo tạm dừng hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trong thời gian có dịch.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hà Giang cho biết, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút gây ra trên trâu, bò. Đây là loại dịch bệnh mới xâm nhập vào địa phương nên gây khó khăn cho công tác chỉ đạo phòng chống vì dịch lây lan nhanh và nhiều, chủ yếu do côn trùng gây ra. Dịch bệnh phát sinh chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số hộ chăn nuôi gia súc chưa cao, không tuân thủ các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, kéo dài, khó xử lý dứt điểm các ổ dịch.

Để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để lây lan và phát sinh các ổ mới; thành lập các đoàn kiểm tra tại địa bàn có dịch và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tỉnh cũng cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả như phun độc, khử trung, hướng dẫn bà con không chăn thả gia súc để tránh bị nhiễm bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cũng phối hợp với các huyện triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, cung ứng 45.300 liều vaccine (Lumpyvac 41.100 liều, LumpyShield 200 liều) cho các huyện để tiêm phòng khẩn cấp, bao vây ổ dịch. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vaccine cho 19.204 con, trong đó trâu 11.202 con, bò 8.002 con. Đồng thời cấp hàng trăm lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng tại các thôn có dịch; cấp hàng nghìn kg vôi bột và hóa chất diệt ve, mòng để tổng vệ sinh tại các hộ chăn nuôi gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Cùng với đó, tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh, khu vực tiêu hủy gia súc mắc bệnh.

Cũng theo ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, đây là dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Ngành nông nghiệp Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Các địa phương có dịch tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng khẩn cấp cho đàn gia súc. Đề nghị các hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã có dịch ký cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, bị bệnh ra môi trường, nghiêm cấm việc di chuyển trâu bò mắc bệnh ra khỏi vùng.

Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, mùa phát triển các loại truyền bệnh (muỗi, ruồi, ve, mòng). Hơn nữa, một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Việc chăn nuôi trâu bò của bà con các dân tộc thiểu số còn thiếu an toàn sinh học, chăn thả chung trên các bãi chăn và thả rông gia súc. Đặc biệt, điều kiện chăn nuôi của các hộ gia đình nhất là ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Hà Giang vẫn còn hạn chế, khó áp dụng các biện pháp để chủ động phòng bệnh…

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, hiện nay UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung các nguồn lực và áp dụng các biện pháp đồng bộ  để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc.

Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu bò; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng chống dịch.

Minh Tâm (TTXVN)
Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Đắk Lắk
Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Đắk Lắk

Sáng 10/6, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại huyện Buôn Đôn và Cư Kuin. Hiện ngành chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng dập dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN