Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Đắk Lắk

Sáng 10/6, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại huyện Buôn Đôn và Cư Kuin. Hiện ngành chức năng đang phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng dập dịch.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy con bò mắc bệnh viêm da nổi cục tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò được ghi nhận đầu tiên vào ngày 5/6 tại hộ ông Nguyễn Khắc Dự thuộc thôn 5 xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn. Đến ngày 6/6, cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn đã tổ chức tiêu hủy con bò mắc bệnh và thực hiện các biện pháp khử khuẩn môi trường khu vực phát hiện con bò mắc bệnh và các hộ chăn nuôi lân cận.

Qua điều tra dịch tễ, con bò mắc bệnh của ông Nguyễn Khắc Dự được thương lái mua về từ địa bàn huyện Cư Kuin. Đến nay, ngành chức năng tiếp tục phát hiện thêm 2 con bò của hai hộ gia đình trên địa bàn huyện Cư Kuin mắc bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Theo ông Thủy Lệ Vũ, dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh viêm da nổi cục trên, trâu bò có nguy cơ lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi. Viêm da nổi cục trên trâu, bò là bệnh mới xuất hiện đầu tiên ở Đắk Lắk, đặc trưng của bệnh là có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao, nếu lây lan trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế với người dân và ngành chăn nuôi.

Do đó, chi cục khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò, khi phát hiện vật nuôi có triệu trứng bệnh viêm da nổi cục cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khi chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò cần tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch.

Đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… truyền bệnh; rà soát tổng đàn, tổng hợp nhu cầu vaccine viêm da nổi cục, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, nhất là mua vaccine, tiêu độc khử trùng...

Khi đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục cần tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp, không để dịch lây lan; hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh; hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh.

Hiện đàn trâu, bò tỉnh Đắk Lắk có 340.000 con; trong đó, đàn bò có 300.000 con, đàn trâu có 40.000 con.

Tuấn Anh (TTXVN)
Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ 30.000 lít hóa chất xử lý dịch bệnh viêm da nổi cục
Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ 30.000 lít hóa chất xử lý dịch bệnh viêm da nổi cục

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn số 2520/UBND-NNTN đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ 30.000 lít hóa chất BenKocid để phục vụ việc khống chế, ngăn chặn nguy cơ các ổ dịch viêm da nổi cục phát sinh, lây lan hoặc kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN